I. ĐẠI CƯƠNG
– Bệnh đục thủy tinh thể (ĐTTT) là hiện tượng mờ đục của TTT, cản trở không cho các tia sáng đi qua, làm cho thị lực người bệnh suy giảm dẫn đến mù lòa.
– ĐTTT là nguyên nhân gây mù hàng đầu trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
II. NGUYÊN NHÂN
– ĐTTT tuổi già do quá trình lão hóa TTT là nguyên nhân chính.
– ĐTTT liên quan đến các bệnh tại mắt: cận thị, chấn thương, viêm màng bồ đào, sau phẫu thuật glocom, sau phẫu thuật nội nhãn…
– ĐTTT liên quan đến các bệnh toàn thân: đái tháo đường (ĐTĐ), tăng huyết áp (THA), các bệnh lý có hội chứng giả bong bao, sử dụng corticosteroid lâu ngày…
– Ngoài ra còn gặp ĐTTT bẩm sinh ở trẻ em do các bệnh lý trong quá trình mang thai hoặc yếu tố di truyền.
– Các yếu tố nguyên nhân ảnh hưởng tới lựa chọn phương pháp điều trị và tiên lượng bệnh:
+ ĐTĐ: có thể gây ĐTTT thể dưới vỏ kèm theo bệnh võng mạc ĐTĐ giai đoạn tiến triển. Cần tiên lượng và phối hợp điều trị/theo dõi biến chứng võng mạc khi phẫu thuật.
+ THA: có thể ảnh hưởng đến quá trình phẫu thuật do biến chứng của THA chưa được kiểm soát; bệnh võng mạc THA/tắc tĩnh mạch/động mạch võng mạc có thể ảnh hưởng tới kết quả phẫu thuật.
+ Béo phì, bệnh lý hô hấp, tim mạch: có thể gây cản trở phẫu thuật do các bệnh lý tim mạch (tai biến não/tim; dùng thuốc chống đông…) cần chú ý và có thể chọn phương pháp vô cảm phù hợp.
+ Các rối loạn tâm thần và nghiện rượu, khó hợp tác: nên cân nhắc lựa chọn phương pháp vô cảm, có thể gây mê để phẫu thuật và xem xét phẫu thuật đồng thời cả 2 mắt.
+ Một số bệnh mạn tính cần dùng thuốc điều trị như nhóm corticoid lâu dài có thể gây ĐTTT.
+ Người bệnh điều trị lao có thể ngộ độc thị thần kinh do Ethambutol, dẫn tới kết quả thị lực sau phẫu thuật ĐTTT hạn chế.
+ ĐTTT sau chấn thương ngày càng gặp nhiều hơn và đặt ra những vấn đề về kỹ thuật do những tổn thương phối hợp.
III. CHẨN ĐOÁN
a, Chẩn đoán xác định dựa vào
* Triệu chứng cơ năng của đục thể thủy tinh có thể gặp một hoặc/và nhiều triệu chứng sau:
– Nhìn mờ: là triệu chứng chính, lúc đầu nhìn xa mờ nhưng nhìn gần vẫn rõ, về sau nhìn xa và nhìn gần đều mờ, cuối cùng là mù.
– Chói mắt: khi ra ánh sáng mặt trời, ánh đèn ban đêm. Nhìn trong râm thấy rõ hơn. – Nhìn một vật thành hai hoặc thấy nhiều hình.
– Người bệnh thường xuyên phải thay đổi độ kính, do TTT đục và tăng kích thước.
* Thực thể:
Khám mắt: ánh đồng tử kém hồng đến đen. Thủy tinh thể đục với nhiều hình thái khác nhau.
b, Chẩn đoán theo hình thái đục thủy tinh thể
Phân loại dựa vào tiến triển của đục, độ cứng màu sắc của nhân, vị trí đục… cụ thể gồm 3 loại:
Đục nhân.
Đục vỏ.
Đục dưới bao sau.
c, Chẩn đoán theo độ cứng của nhân
– Độ I: nhân mềm, còn trong hoặc xám nhạt, đục vỏ hoặc dưới bao.
– Độ II: nhân mềm vừa phải, có màu xám hay vàng nhẹ, đục dưới bao sau.
– Độ III: nhân cứng trung bình, đục nhân màu vàng hổ phách, hoặc đục nhân dưới bao sau.
– Độ IV: nhân cứng, đục nhân màu nâu vàng hổ phách.
– Độ V: nhân quá cứng, màu nâu đen.
d, Chẩn đoán một số thể đục thủy tinh đặc biệt
– ĐTTT nhân nâu đen đồng tử không giãn kết hợp với hội chứng giả bong bao.
– ĐTTT kết hợp với bệnh Glocom mất hướng sáng.
– ĐTTT trên mắt viêm màng bồ đào cũ.
– ĐTTT với hội chứng Marfan.
– ĐTTT do chấn thương, biến chứng đứt dây chằng Zinn, lệch TTT.
IV. ĐIỀU TRỊ
a, Nguyên tắc điều trị
Điều trị nội khoa khi chưa có chỉ định phẫu thuật
Điều trị ngoại khoa khi có chỉ định phẫu thuật
b, Điều trị cụ thể
Nội khoa:
Dùng các thuốc bổ mắt như sáng mắt, vitamin A-D hoặc Vitamin A, eyaren…
Ngoại khoa:
* Chỉ định phẫu thuật đục thể thủy tinh
– ĐTTT ảnh hưởng đến chức năng thị giác.
– Ngoài ra còn có những chỉ định khác như: ĐTTT đã hoặc có thể gây biến chứng. ĐTTT cản trở theo dõi và điều trị bệnh lý dịch kính, võng mạc, glocom…
Cận lâm sàng cần làm trong phẫu thuật: Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, Máu đông, Máu chảy, nhóm máu, nước tiểu, Xquang tim phổi, điện tim thường, HIV, HbsAg, Ure, creatin, GOT, GPT, glucoe.
– Siêu âm mắt, đo công suất thể thủy tinh nhân tạo, bơm rửa lệ đạo, đo nhãn áp, thử thị lực.
* Các phương pháp phẫu thuật
+ Phẫu thuật lấy TTT trong bao (Intra-Capsular Cataract Extraction ICCE)
+ Phẫu thuật lấy TTT ngoài bao (Extra-Capsular Cataract Extraction ECCE)
+ Phẫu thuật phaco (Phacoemulsification)
* Các thuốc sau phẫu thuật:
– Kháng sinh:
Tra nhỏ tại mắt như offloxacin, levofloxacin, moxiofloxacin. Tobramycin… có thể kháng sinh kết hợp với corticoid.
Kháng sinh toàn thân: nhóm betalactam, quinolon, maclorid… có thể uống hoăc tiêm tùy theo bệnh nhân.
– Chống viêm: Methylprednisolon, dexamethazon… có thể uống hay tiêm tùy theo từng bệnh nhân.
– Giảm đau: paracetamon 500mg …nếu bệnh nhân có đau
– Giảm phù nề: alphachymotrypsin 4200UI ngày 2-4 viên / ngày
– An thần: nếu bệnh nhân mất ngủ, hoặc đau nhiều thì dùng sedusen 5 mg x hai viên uống.
– Thuốc bổ vitamin A…
– Thay băng hàng ngày
V. TIÊU CHUẨN NHẬP VIỆN
– Đục thể thủy tinh gây biến chứng
– Đục thể thủy tinh có chỉ định phẫu thuật thay IOL (Thủy tinh nhân tạo)
VI. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG
– Đục thủy tinh thể nếu để quá chín có thể dẫn đến tăng nhãn áp (glocom) và sẽ ảnh hưởng đến thị lực
– Phẫu thuật thay thể thủy tinh dạt kết quả tốt
VII. PHÒNG BỆNH
– Vệ sinh mắt hàng ngày.
– Sử dụng các thuốc corticoid, hóa chất… hợp lý theo chỉ định của thầy thuốc.
– Ăn các thức ăn có màu đỏ như đu đủ, ca chua.
– Khám định kỳ thường xuyên khí tuổi > 60 tuổi.
VIII. TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ y tế (2018).Quyết định 7328/QĐ-BYT ngày 10 tháng 12 năm 2018 Về việc ban hành hướng dẫn chuẩn chất lượng chẩn đoán và điều trị đục thể thủy tinh.
Một số bài viết khác:
TẬP HUẤN PHÒNG CHỐNG BỆNH LAO, BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH VÀ HEN PHẾ QUẢN
TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG VỀ XỬ TRÍ ĐỘT QUỴ NÃO TẠI TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN TỨ KỲ
TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG VỀ XỬ TRÍ VIÊM PHỔI TRẺ EM
TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG VỀ XỬ TRÍ SỐT XUẤT HUYẾT TẠI TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN TỨ KỲ
QUY TRÌNH KỸ THUẬT KHÍ DUNG THUỐC GIÃN PHẾ QUẢN
QUY TRÌNH TIẾP ĐÓN NGƯỜI BỆNH