CẤP CỨU NGỪNG TUẦN HOÀN CƠ BẢN

I. ĐẠI CƯƠNG

Hồi sinh tim phổi cần được bắt đầu ngay lập tức sau khi phát hiện bệnh nhân ngừng tuần hoàn (NTH). Do khoảng thời gian từ khi gọi cấp cứu đến khi kíp cấp cứu có mặt để cấp cứu bệnh nhân thường trên 5 phút, nên khả năng cứu sống được bệnh nhân ngừng tim phụ thuộc chủ yếu vào khả năng và kĩ năng cấp cứu của kíp cấp cứu tại chỗ.

Sốc điện cấp cứu phá rung thất sẽ có hiệu quả nhất nếu được thực hiện trong vòng 5 phút đầu sau ngừng tim. Hồi sinh tim phổi kết hợp với sốc điện sớm trong vòng 3 đến 5 phút đầu tiên sau khi ngừng tuần hoàn có thể đạt tỉ lệ cứu sống lên đến 50% – 75%.

II. NGUYÊN NHÂN

Bảng 1. Nguyên nhân ngừng tuần hoàn thường gặp

11T trong tiếng Việt 6H” trong tiếng Anh 12T trong tiếng Việt 5’T’ trong tiếng Anh
Thiếu thể tích tuần hoàn Hypovolemia Trúng độc Toxins
Thiếu oxy mô Hypoxia Tamponade tim Tamponade (cardiac)
Toan máu Hydrogen ion (acidosis) Tràn khí màng phổi áp lực Tension pneumothorax
Tăng/Tụt kali máu Hyper/Hypokalemia Tắc mạch vành, Tắc mạch phổi Thrombosis (coronary and pulmonary)
Tụt hạ đường huyết Hypoglycemia Thương tích Trauma
Thân nhiệt thấp Hypothermia

Để cho dễ nhớ, gọi 5T 6H (tiếng Anh) hay 12T (tiếng Việt)

III. CHẨN ĐOÁN

  1. Chẩn đoán xác định

Dựa vào 3 dấu hiệu: mất ý thức đột ngột, ngừng thở, mất mạch cảnh.

  1. Chẩn đoán phân biệt

– Phân biệt vô tâm thu với rung thất sóng nhỏ: cần xem điện tim trên ít nhất 2 chuyển đạo.

– Phân biệt phân li điện cơ với sốc, trụy mạch: cần bắt mạch ở 2 vị trí trở lên.

– Phân biệt mất mạch cảnh/mạch bẹn do tắc mạch: cần bắt mạch ở 2 vị trí trở lên.

  1. Chẩn đoán nguyên nhân

Song song với cấp cứu hồi sinh tim phổi cơ bản, cần nhanh chóng tìm kiếm nguyên nhân gây NTH để giúp cấp cứu có hiệu quả và ngăn ngừa tái phát. Các nguyên nhân thường gặp và có thể điều trị nhanh chóng.

IV. ĐIỀU TRỊ

– Xử trí cấp cứu NTH được khởi động ngay từ khi phát hiện trường hợp nghi ngờ NTH. Người cấp cứu vừa tiến hành chẩn đoán, gọi người hỗ trợ vừa bắt đầu các biện pháp hồi sinh tim phổi cơ bản ngay.

– Cần có 1 người là chỉ huy để phân công, tổ chức công tác cấp cứu đúng trình tự và đồng bộ.

– Cần ghi chép các thông tin cần thiết và tiến trình cấp cứu.

– Thiết lập không gian cấp cứu đủ rộng và hạn chế tối đa các nhân viên hoặc những người không tham gia cấp cứu vào và làm cản trở công tác cấp cứu.

4.1. Tiến hành ngay hồi sinh tim phổi cơ bản (CAB) đồng thời gọi hỗ trợ khi phát hiện bệnh nhân nghi ngờ bị NTH.

  1. Kiểm soát đường thở: đặt ngửa đầu, cổ ưỡn, thủ thuật kéo hàm dưới/nâng cằm Cần đặt NKQ càng sớm càng tốt nhưng không được làm chậm sốc điện và không làm gián đoạn ép tim/thổi ngạt quá 30 giây.
  2. Kiểm soát và hỗ trợ hô hấp: thổi ngạt hoặc bóp bóng nếu bệnh nhân không thở: thổi ngạt hoặc bóp bóng 2 lần liên tiếp, sau đó kiểm tra mạch:

– Nếu có mạch: tiếp tục thổi ngạt hoặc bóp bóng.

– Nếu không có mạch: thực hiện chu kỳ ép tim/thổi ngạt theo tỉ lệ 30/2.

– Nhịp thở nhân tạo thổi vào trong 1 giây, đủ làm lồng ngực phồng lên nhìn thấy được với tần số nhịp là 10 -12 lần/phút đối với người lớn, 12 – 20 lần/phút đối với trẻ nhỏ và nhũ nhi.

– Sau khi đã có đường thở nhân tạo, tần số bóp bóng là 8 -10 lần/phút và ép tim 100 lần/phút, không cần ngừng ép tim để bóp bóng.

– Nối oxy với bóng ngay khi có oxy.

  1. Kiểm soát và hỗ trợ tuần hoàn: ép tim ngoài lồng ngực.

– Kiểm tra mạch cảnh (hoặc mạch bẹn) trong vòng 10 giây. Nếu không thấy mạch: tiến hành ép tim ngay.

– Ép tim ở 1/2 dưới xương ức, lún 1/3 -1/2 ngực (4 – 5cm với người lớn) đủ để sờ thấy mạch khi ép; tần số 100 lần/phút. Phương châm là “ép nhanh, ép mạnh, không gián đoạn và để ngực phồng lên hết sau mỗi lần ép”.

– Tỉ lệ ép tim/thông khí là 30/2 nếu là bệnh nhân người lớn hoặc bệnh nhân trẻ nhỏ, nhũ nhi có 1 người cấp cứu. Tỉ lệ có thể là 15/2 đối với trẻ nhỏ hoặc nhũ nhi có 2 người cấp cứu.

– Kiểm tra mạch trong vòng 10 giây sau mỗi 5 chu kỳ ép tim/thổi ngạt hoặc sau mỗi 2 phút (1 chu kỳ ép tim/thổi ngạt là 30 lần ép tim/2 lần thổi ngạt).

4.2. Ghi điện tim sớm ngay khi có thể và sốc điện ngay nếu có chỉ định

  1. Nhanh chóng ghi điện tim và theo dõi điện tim trên máy theo dõi. Phân làm 3 loại điện tim: rung thất/nhịp nhanh thất, vô tâm thu, phân li điện cơ.
  2. Tiến hành sốc điện ngay nếu là rung thất

Máy sốc điện 1 pha: số 360J; Máy sốc điện 2 pha: 120 – 200J.

Tiến hành ngay 5 chu kỳ ép tim/thổi ngạt sau mỗi lần sốc điện.

4.3. Các thuốc cấp cứu NTH

Bảng 2. Các thuốc cấp cứu NTH

Thuốc Liều tiêm TM Liều tối đa Liều qua NKQ Chỉ định chính
Adrenalin 1mg/3-5 phút/lần 2-2,5mg Các loại NTH
Amiodaron 300mg 2,2g/24 giờ Rung thất trơ
Atropin 1mg/3 – 5 phút/lẫn 3mg 3mg Nhịp chậm, Vô tâm thu
Magne Sulfat 1-2 g Xoắn đỉnh
Lidocain (xylocain) 1-1,5mg/kg 3mg/kg 2-4mg/kg Rung thất
Vasopressin 40 UI (1 lần duy nhất) Rung thất trơ

* Sau khi cấp cứu thành công chuyển tuyến trên có đầy đủ khả năng điều trị tiếp.

V. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

– Tiên lượng nặng tỉ lệ tử vong cao.

– Biến chứng nặng nề.

VI. PHÒNG BỆNH

          NTH thường xảy ra đột ngột, không dự đoán trước được. Tất cả các nhân viên cấp cứu, nhân viên y tế cứu hộ phải được tập luyện và chuẩn bị sẵn sàng cấp cứu NTH. Các xe cấp cứu, các cơ sở cấp cứu cần có các phương tiện và thuốc cấp cứu cần thiết cho cấp cứu NTH.

VII. TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa bệnh viện Bạch Mai 2018.

BSCKI Nguyễn Thế Chung – Trưởng khoa CC-HSTC-CĐ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *