I. ĐẠI CƯƠNG
Dị vật đường thở là những vật mắc lại trên đường thở từ thanh quản đến phế quản phân thùy.
− Là cấp cứu thường gặp trong chuyên ngành tai mũi họng nếu không được chẩn đoán sớm, xử trí đúng, nhanh chóng dễ dẫn tới các biến chứng nặng nề và có thể tử vong nhanh chóng.
− Dị vật đường thở gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn (75% gặp ở trẻ dưới 4 tuổi), do trẻ em thường có thói quen cho các đồ vật vào miệng.
II. NGUYÊN NHÂN
Các nguyên nhân chính dẫn đến dị vật đường thở thường gặp là:
− Do khóc, do cười đùa trong khi ăn.
− Do thói quen ngậm đồ vật trong khi chơi, khi làm việc.
− Do rối loạn phản xạ họng, thanh quản ở trẻ em và người già, có thể do bệnh nhân bị hôn mê, gây mê hoặc điên dại.
− Do thói quen uống nước suối con tắc te (con tấc) chui vào đường thở và sống kí sinh trong đường thở.
III. CHẨN ĐOÁN
3.1. Lâm sàng
3.1.1. Hội chứng xâm nhập
Hội chứng xâm nhập là do phản xạ co thắt chặt thanh quản ngăn không cho dị vật xuống dưới và phản xạ ho liên tiếp để tống dị vật ra ngoài.
3.1.2. Triệu chứng toàn thân
− Khó thở: Nếu dị vật mắc lại ở thanh quản, bệnh nhân có khó thở thanh quản các mức độ khác nhau tuỳ theo kích thước của dị vật và thời gian dị vật mắc lại trên đường thở.
− Sốt: Thường gặp sau một vài ngày sau khi có nhiễm khuẩn do các dị vật ô nhiễm như các loại xương, thịt, hạt lạc, bã mía…
3.1.3. Triệu chứng cơ năng và thực thể
* Dị vật ở thanh quản:
Các vật mắc lại ở thanh quản thường là các vật dẹt, sắc nhọn, sù sì… như là vỏ trứng, đầu tôm, xương cá…
− Cơ năng: Khàn tiếng, mất tiếng, mức độ nặng hoặc nhẹ tuỳ theo kích thước và thời gian của dị vật.
− Khó thở thanh quản: Ở các mức độ khác nhau tuỳ theo kích thước và thời gian dị vật ở TQ.
− Ho: Ho khan không có đờm, ho từng cơn dài do kích thích thanh quản có thể gây phù nề thanh quản dẫn nghẹt thở.
− Nghe phổi có thể thấy bình thường hoặc rít hoặc RRFN giảm hai bên
* Dị vật ở khí quản:
Thường gặp các vật tròn, nhẵn, trơn tru… kích thước khá to so với khẩu kính của khí phế quản bệnh nhân.
− Cơ năng: Hay xảy ra các cơn ho rũ rượi, sặc sụa tím tái do dị vật di động trong lòng khí quản, đôi khi di động lên thanh quản gây ra các cơn ho. Nếu dị vật di động bắn lên thanh quản và kẹt ở thanh môn làm cho bệnh nhân ngạt thở, nếu không được xử trí đúng, kịp thời thì bệnh nhân sẽ tử vong.
− Thực thể: Nghe phổi có thể thấy ran rít, ran ngáy cả hai bên phổi, dị vật to có thể thấy rì rào phế nang giảm cả hai bên phổi, nếu nghe thấy tiếng lật phật cờ bay là đặc hiệu dị vật ở khí quản.
* Dị vật ở phế quản:
− Cơ năng: Khó thở hỗn hợp cả hai thì, thường chỉ gặp khi là dị vật to bít lấp phế quản gốc một bên, hay gặp ở phế quản phải nhiều hơn phế quản trái.
− Sốt: những ngày sau thường có hiện tượng viêm nhiễm gây ra các biến chứng ở phế quản, phổi nên hay có sốt, có thể gặp sốt vừa hoặc sốt cao, tuỳ theo mức độ viêm nhiễm ở phổi.
− Triệu chứng thực thể:
Nghe phổi có thể thấy rì rào phế nang giảm hoặc mất một bên, có thể kèm theo ran rít, ran ngáy, cũng có thể có ran ẩm, ran nổ…
Gõ ngực: Tiếng đục khi có áp xe hoặc xẹp phổi một bên. Gõ trong, vang khi có tràn khí màng phổi.
3.2. Cận lâm sàng
− Các xét nghiệm máu ít có giá trị trong chẩn đoán dị vật, có giá trị trong viêm nhiễm
− Chụp Xquang cổ nghiêng hoặc phổi thẳng, CT scanner, CTM, Ure, creatinin, GOT, GPT, nội soi mũi họng, thanh quản…
3.3. Chẩn đoán xác định
− Trước tiên, hội chứng xâm nhập là dấu hiệu gợi ý.
− Hỏi bệnh và khám thực thể: Đánh giá tình trạng và kiểu khó thở
+ Nếu có khàn tiếng và khó thở thanh quản thì dị vật ở thanh quản.
+ Nếu khó thở và ho từng cơn dữ dội, thường dị vật nằm ở khí quản….
− Nghe phổi cho biết được mức độ viêm nhiễm ở phổi và vị trí của dị vật:
+ Dị vật ở thanh quản sẽ thấy tiếng rít, ngáy lan từ trên xuống ở cả hai bên phổi. thông khí giảm.
+ Dị vật ở khí quản: Nghe thấy tiếng rít ở cả hai phổi, nghe có tiếng lật phật cờ bay là điển hình dị vật ở khí quản.
+ Dị vật ở phế quản: Nghe thấy rì rào phế nang giảm hoặc mất một bên. Cũng có thể nghe thấy ran ẩm, ran nổ nếu đã có tình trạng viêm nhiễm.
+ Nội soi thanh, khí, phế quản, CT scaner, Xquang ngực, nếu thấy dị vật ở đường thở là chẩn đoán xác định.
3.4. Chẩn đoán phân biệt
− Viêm phổi (J18)
− Áp xe phổi (J85)
− Xẹp phổi (J98.1)
IV. ĐIỀU TRỊ
Nguyên tắc: phải đảm bảo khai thông đường thở, lấy bỏ dị vật càng sớm càng tốt.
4.1. Xử trí trường hợp tối cấp
Trong trường hợp ngạt thở, nếu không xử trí ngay bệnh nhân sẽ tử vong.
− Trong cộng đồng: Cho bệnh nhân nằm dốc đầu, vỗ mạnh vào ngực bệnh nhân, kích thích cho bệnh nhân khóc, nếu dị vật tròn nhẵn sẽ rơi xuống họng hoặc vòm mũi họng, đưa ngón tay trỏ vào họng để kéo dị vật ra.
− Có thể làm nghiệm pháp Heimlich: Khi bệnh nhân bị ngạt thở dùng hai bàn tay ép mạnh vào hai bên hạ sườn bệnh nhân 3 – 5 cái, nhằm tạo ra áp lực dương tính trong lồng ngực, hy vọng với áp lực này có thể đẩy được dị vật ra khỏi đường thở.
Nhưng lưu ý chỉ làm nghiệm pháp này khi bệnh nhân đang bị ngạt thở, nếu không cấp cứu sẽ tử vong trong thời gian ngắn, thực hiện ngoài cơ sở y tế.
− Ở tuyến y tế không chuyên khoa: Nếu ngạt thở trong cơ sở y tế thì mở khí quản cấp cứu là tốt nhất, cũng có thể đặt nội khí quản hoặc chọc kim 13 qua màng giáp nhẫn, hoặc cũng có thể soi thanh quản bằng ống Mac Intosh gắp dị vật hoặc đẩy dị vật xuống dưới để khai thông đường thở càng sớm càng tốt.
4.2. Điều trị cấp cứu
Khi bệnh nhân có khó thở:
− Khó thở thanh quản độ II trở lên phải mở khí quản cấp cứu.
Dị vật ở thanh quản hoặc khí quản: Mở khí quản cấp cứu trước khi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
− Dị vật ở phế quản gây suy hô hấp cấp: Cho thở oxy qua masque, có thể bóp bóng hỗ trợ nếu có rối loạn nhịp thở.
4.3. Soi gắp dị vật
Trong mọi trường hợp dị vật đường thở cần phải soi gắp sớm, ít gây nguy hiểm và tai biến khi hưa có các biến chứng như áp xe phổi, xẹp phổi và viêm phổi…
Trong nhiều trường hợp, sau khi soi gắp dị vật cần tiến hành soi hút mủ hoặc soi rửa phế quản, bơm thuốc kháng sinh, giảm viêm vào phế quản.
V. TIÊU CHUẨN NHẬP VIỆN
– Tất cả các trường hợp dị ứng đường thở đều nhập viện, tùy theo vị trí mắc dị vật có thể gắp hoặc sơ cứu chuyển viện.
– Dị vật đường thở sau soi gắp gây xây xước, phù nề hạ họng, thanh môn, nguy cơ áp xe hóa hoặc khó thở.
VI. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG
− Nếu không được xử trí kịp thời bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng do dị vật bít lấp đường thở gây ngạt thở cấp.
− Dị vật có thể gây viêm phế quản, viêm phổi, khí phế thũng, tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, áp xe phổi một bên, xẹp phổi một bên, sẹo hẹp thanh quản.
VII. PHÒNG BỆNH
Cần tuyên truyền trong cộng đồng:
− Không nên cười đùa trong khi ăn, không cưỡng bức trẻ em ăn khi đang khóc.
− Không ngậm đồ vật khi chơi, khi làm việc.
− Để các vật, các quả hạt nhỏ có thể đưa vào miệng xa tầm tay của trẻ nhỏ.
− Không nên uống nước suối để đề phòng dị vật sống đi vào đường thở.
VIII. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1, BỘ Y TẾ. (2016). HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ MỘT SỐ BỆNH LÝ TAI MŨI HỌNG. Quyết định số 5643/QĐ-BYT ngày 31/12/2015, 215-219.
2, Quy trình huyết học, CRP… Quyết định 2017/QĐ – BYT quyết định về việc ban hành tài liệu” Hướng dẫn quy trình huyết học – truyền máu – miễn dịch – di truyền – sinh học phân tử, Bộ y tế 2014”.
3, Quyết định 320 – 2014/ QĐ/ BYT: Quyết định về việc ban hành tài liệu “ Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành hóa sinh 2014”.
Một số bài viết khác:
TẬP HUẤN PHÒNG CHỐNG BỆNH LAO, BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH VÀ HEN PHẾ QUẢN
TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG VỀ XỬ TRÍ ĐỘT QUỴ NÃO TẠI TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN TỨ KỲ
TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG VỀ XỬ TRÍ VIÊM PHỔI TRẺ EM
TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG VỀ XỬ TRÍ SỐT XUẤT HUYẾT TẠI TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN TỨ KỲ
QUY TRÌNH KỸ THUẬT KHÍ DUNG THUỐC GIÃN PHẾ QUẢN
QUY TRÌNH TIẾP ĐÓN NGƯỜI BỆNH