CO GIẬT Ở TRẺ EM

I. ĐẠI CƯƠNG

Co giật là một cấp cứu thần kinh thường gặp nhất ở trẻ em. Trong đó nặng nhất là cơn co giật liên tục khi cơn co giật cục bộ hay toàn thể kéo dài trên 30 phút hay nhiều cơn co giật liên tiếp nhau không có khoảng tỉnh.

Co giật do sốt thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 60 tháng tuổi, cơn co giật xuất hiện trong quá trình mắc một bệnh cấp tính có sốt, nhưng không phải do nhiễm trùng thần kinh hoặc có các cơn giật không do sốt trước đó và các dấu hiệu bất thường hệ thần kinh.

II. NGUYÊN NHÂN

– Do sốt cao

– Do động kinh nguyên phát

– Liệt do tổn thương não/chấn thương sản khoa

– Loạn nhịp điện thế cao, hội chứng Lennox-Gastaut, động kinh vùng đỉnh lành tính.

– Nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương: viêm não, viêm màng não

– Do bệnh chuyển hóa: acid amin niệu, hạ calci huyết, thiếu hụt Pyridoxin

– Do nhiễm độc: ngộ độc chì, ngộ độc thuốc

– Do bệnh hệ thống: gan, thận, nhiễm khuẩn, bệnh bạch huyết

– Do tổn thương cấu trúc trong sọ: chảy máu não, u não, tràn dịch màng não, dị dạng mạch não…

III. CHẨN ĐOÁN

3.1. Lâm sàng

+ Tiền sử

– Sốt cao co giật

– Động kinh

– Rối loạn chuyển hóa

– Chấn thương đầu

– Tiếp xúc độc chất, bữa ăn gần nhất khi nào?

– Phát triển tâm thần vận động, các bệnh đã mắc trước đây

+ Bệnh sử

– Sốt, tiêu chảy, bỏ ăn

– Tính chất cơn giật: toàn thể, cục bộ toàn thể hay khu trú, thời gian cơn giật

+ Khám lâm sàng:

– Tri giác theo AVPU (A: tỉnh táo; V: đáp ứng với lời nói; P: đáp ứng với đau; U: không đáp ứng)

– Dấu hiệu sinh tồn: mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở, tím tái, SaO2

– Dấu hiệu tổn thương ngoài da liên quan đến chấn thương

– Dấu hiệu thiếu máu

– Dấu hiệu màng não: cổ cứng, thóp phồng

– Dấu hiệu thần kinh khu trú

3.2. Cận lâm sàng

– Công thức máu, ký sinh trùng sốt rét, Glucose mao mạch, CRP, GOT, GPT, Ure, Creatinin.

– Ngoại trừ sốt cao co giật, các trường hợp khác làm thêm:

+ Đường huyết, điện giải đồ (Na, Ca, K, Cl)

+ EEG, điện tim

+ Siêu âm thóp với trẻ nhỏ

+ CT sọ não.

IV. ĐIỀU TRỊ

4.1. Nguyên tắc điều trị

– Hồi sức theo thứ tự A-B-C-D

– Cắt cơn co giật

– Điều trị nguyên nhân

* Điều trị ban đầu:

– Đánh giá theo A-B-C-D

– Hồi sức theo A-B-C-D

* Cắt cơn co giật:

– Diazepam: 0,2mg/kg/lần TMC hay bơm hậu môn liều 0,5mg/kg/lần. Nếu không hiệu quả sau liều Diazepam đầu tiên, dùng liều thứ 2 sau 10 phút, tối đa 3 liều.

– Chuyển hồi sức khi dùng Diazepam tổng liều 1mg/kg mà chưa cắt cơn giật.

– Hoặc Midazolam liều 0,2mg/kg/lần TM chậm hoặc bơm qua đường hậu môn liều 0,5 mg/kg/lần. Nếu không đáp ứng có thể lặp lại liều trên. Liều truyền duy trì 1 mcg/kg/phút tăng dần đến khi có đáp ứng không quá 18mcg/kg/phút.

– Trẻ sơ sinh ưu tiên lựa chọn Phenobarbital 15-20mg/kg truyền tĩnh mạch trong 30 phút. Nếu sau 30 phút còn co giật có thể lập lại liều thứ 2 là 10mg/kg.

– Luôn đánh giá lại A-B-C-D

* Hỗ trợ hô hấp:

– Mở thông đường thở, hút đờm dãi.

– Thở oxy lưu lượng cao.

– Đặt nội khí quản nếu có chỉ định thích hợp.

– Lập đường truyền tĩnh mạch.

– Đánh giá lại và tìm các dấu hiệu quan trọng.

* Điều trị nguyên nhân:

– Co giật do sốt cao: Paracetamol 10-15mg/kg/lần.

– Hạ đường huyết: tiêm tĩnh mạch Glucose 10% là 2-5 ml/kg/lần.

– Tăng áp lực nội sọ nếu có.

– Nguyên nhân ngoại khoa như chấn thương đầu, xuất huyết, u não: hội chẩn ngoại thần kinh.

V. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

– Với co giật sơ sinh lành tính nói chung là tốt tuy có thể có trường hợp chậm phát triển tâm lý – vận động, co giật do sốt cao và cả co giật không do sốt cao.

– Co giật do sốt cao có tỉ lệ tái phát dao động từ 25-50%, trung bình là 30%. Khoảng 9% có ba cơn hoặc nhiều hơn nữa. Cơn đầu tiên xảy ra khi trẻ còn ít tuổi bao nhiêu thì càng có nguy cơ xảy ra tái phát bấy nhiêu nhất là đối với trẻ gái.

– Động kinh cục bộ: dùng thuốc kháng động kinh có thể giúp khỏi cơn lâu dài đến 70%. Thuốc kháng động kinh là phương thức duy nhất bảo vệ bệnh nhân khỏi các cơn co giật.

VI. PHÒNG BỆNH

Với bệnh nhân co giật do sốt cần hướng dẫn gia đình bệnh nhi biết cách theo dõi phát hiện kịp thời khi xảy ra sốt và cách xử trí hợp lý đúng đắn. Có thể dùng nước ấm, thuốc hạ sốt, Deparkin dự phòng cơn giật khi có sốt.

Những bệnh nhi có biến chứng sau cơn giật cần được uống thuốc kháng động kinh dự phòng. Đối với mọi trường hợp đã bị co giật do sốt cao đều cần được theo dõi lâu dài và kiểm tra định kỳ.

VII. TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phác đồ điều trị Nhi Khoa – 2016, Bộ y tế, bài “Co giật” trang 171-175.
  2. Sách giáo khoa Nhi Khoa, nhà xuất bản y học, bài “Động kinh” trang 1358-1370.
  3. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, ban hành kèm theo quyết định số 3312/QĐ-BYT ngày 07/08/2015 của Bộ trưởng Bộ y tế trang 455-459.
  4. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, bệnh viện Nhi trung ương năm 2018, trang 821-825.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *