ĐAU LƯNG – YÊU THỐNG

I. ĐẠI CƯƠNG

Đau lưng 1 bên hay 2 bên cột sống là một chứng bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể chia làm 2 loại, đau lưng cấp và đau lưng mạn.

Y học cổ truyền gọi chứng đau lưng là: Yêu thống.

II. NGUYÊN NHÂN

* Đau lưng cấp:

– Đau lưng cấp do hàn thấp: Xảy ra đột ngột do bị lạnh, mưa, ẩm thấp gây co cứng cơ ở sống lưng một bên hoặc cả hai bên.

– Đau lưng cấp do viêm cột sống: dây chằng cột sống bị viêm, bị phù nề chèn ép vào thần kinh gây đau vùng cột sống thắt lưng. Theo Y học cổ truyền: do thấp nhiệt.

– Đau lưng cấp khi thay đổi tư thế đột ngột; hoặc mang vác nặng sai tư thế; sang chấn vùng sống lưng. Theo Y học cổ truyền: do khí trệ, huyết ứ.

* Đau lưng mạn:

– hường do viêm cột sống mạn tính

– Thoái hoá cột sống

– Lao; ung thư

– Đau các nội tạng ở ngực, bụng lan toả ra sau lưng

– Đau lưng cơ năng do thống kinh

– Suy nhược thần kinh

Điều trị chứng đau lưng cần điều trị nguyên nhân, kết hợp với chữa chứng đau lưng bằng thuốc, châm cứu, xoa bóp.

III. SINH LÝ BỆNH

Tùy thuộc vào nguyên nhân, mà chứng đau lưng có sinh lý bệnh khác nhau.

IV. TRIỆU CHỨNG

4.1. Theo y học hiện đại

– Hội chứng cột sống: đau vùng thắt lưng, thường kèm theo co cứng khối cơ cạnh sống, tư thế cột sống bị lệch vẹo mất đường cong sinh lý, ấn có điểm đau.

– Hội chứng chèn ép rễ âm tính.

4.2. Theo y học cổ truyền

– Đau lưng do hàn thấp: đau lưng xảy ra đột ngột, sau khi bị lạnh, mưa, ẩm thấp, đau nhiều, không cúi được, ho và trở mình cũng đau, thường đau một bên, ấn các cơ sống lưng bên đau co cứng, mạch phù khẩn.

– Đau lưng do hàn thấp kèm can thận hư: Triệu chứng: Đau lưng nhiều, đau tăng khi trời lạnh, chườm nóng đỡ đau, chân tay lạnh, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng; kèm các chứng can thận hư: lưng gối mỏi đau, tiểu tiện nhiều, ù tai, ngủ ít, mạch trầm tế.

V. CẬN LÂM SÀNG

+ Công thức máu, tổng phân tích nước tiểu

+ Sinh hóa máu

+ X quang cột sống thắt lưng thẳng, nghiêng hoặc chếch

+ Siêu âm ổ bụng (lưu ý thận tiết niệu)

+ MRI cột sống

VI. CHẨN ĐOÁN

6.1. Chẩn đoán xác định

6.1.1. Theo YHHĐ

– Lâm sàng: đau ngang thắt lưng do nguyên nhân cơ học: đau xuất hiện đột ngột, co cứng cơ cạnh sống, tư thế chống đau, ấn ngón tay dọc mỏm gai sau hoặc khe liên đốt có điểm đau.

– Cận lâm sàng: Xquang đa số có hình ảnh bình thường hoặc thoái hóa cột sống.

6.1.2. Theo YHCT: Bệnh danh: Yêu thống

* Đau lưng cấp do hàn thấp

– Chẩn đoán bát cương: Biểu thực hàn

– Nguyên nhân: ngoại nhân (hàn thấp)

– Chẩn đoán tạng phủ, kinh lạc: Bệnh ở kinh lạc

* Đau lưng do hàn thấp kèm can thận hư

– Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, hư trung hiệp thực, thiên hàn

– Chẩn đoán tạng phủ, kinh lạc: Bệnh ở cả tạng phủ lẫn kinh lạc

– Chẩn đoán nguyên nhân: ngoại nhân, bất nội ngoại nhân

6.2. Chẩn đoán phân biệt

Các bệnh toàn thân gây đau lưng: người bệnh thường có các triệu chứng khác đi kèm:

+ Do nguyên nhân nhiễm khuẩn thường có hội chứng nhiễm trùng.

+ Do ung thư: đau ngày càng tăng không đáp ứng với thuốc giảm đau, chống viêm thông thường kèm gầy sút cân nhanh.

+ Nghi ngờ phình tách động mạch : đau dữ dội vùng thắt lưng ngày càng tăng kèm dấu hiệu của shock, da xanh, thiếu máu…

Khi có dấu hiệu chỉ điểm của bệnh toàn thân liên quan đến vùng đau lưng cần hướng dẫn người bệnh đến cơ sở chuyên khoa.

VII. TIÊU CHUẨN NHẬP VIỆN

– Đau nhức ngang thắt lưng đã loại trừ nguyên nhân bệnh toàn thân

– Đi lại khó khăn

VIII. ĐIỀU TRỊ

8.1. Nguyên tắc điều trị

Điều trị theo nguyên nhân, kết hợp điều trị thuốc với các phương pháp không dùng thuốc và các biện pháp phục hồi chức năn.

8.2. Điều trị cụ thể

8.2.1. Theo YHHĐ

– Thuốc giảm đau: sử dụng theo bậc thang của WHO

– Thuốc chống viêm

– Thuốc giãn cơ

– Thuỷ châm vitamin nhóm B

8.2.2. Y học cổ truyền chia thành 4 thể

* Đau lưng cấp do hàn thấp

– Phương pháp điều trị: Khu phong, tán hàn, trừ thấp, ôn kinh hoạt lạc (hành khí, hoạt huyết).

Điều trị bằng thuốc: Sử dụng bài thuốc số 2 phần phụ lục và gia giảm theo tình trạng bệnh nhân. Các vị thuốc trong thang có thể thay đổi bằng các vị khác có cùng nhóm tác dụng tuỳ thuộc vào các vị thuốc hiện có trong kho thuốc và thầu thuốc từng thời kỳ. Sắc uống ngày 01 thang, uống chia sáng, chiều, mỗi lần 200ml.

– Thuốc cao đơn hoàn tán:Chọn lựa các loại thuốc từ dược liệu tùy theo tình trạng từng bệnh nhân.

– Phương pháp không dùng thuốc:

+ Điện châm các huyệt thận du, yêu dương quan, đại trường du, cách du, dương lăng tuyền, thứ liêu, uỷ trung, a thị huyệt, giáp tích vùng thắt lưng, mỗi ngày 1 lần, mỗi lần 20 phút.

+ Xoa bóp bấm huyệt vùng thắt lưng.

+ Cấy chỉ điều trị đau vùng thắt lưng.

+ Vật lý trị liệu: chiếu đèn hồng ngoại, điện xung, điện phân, siêu âm điều trị, điện từ trường điều trị, sóng ngắn điều trị.

* Đau lưng do cột sống bị thoái hoá

– Phương pháp điều trị: Khu phong, tán hàn, trừ thấp; bổ can thận.

– Điều trị cụ thể:

+ Dùng thuốc:

+ Sử dụng bài thuốc số 2 phần phụ lục và gia giảm theo tình trạng bệnh nhân. Các vị thuốc trong thang có thể thay đổi bằng các vị khác có cùng nhóm tác dụng tuỳ thuộc vào các vị thuốc hiện có trong kho thuốc và thầu thuốc từng thời kỳ. Sắc uống ngày 01 thang, uống chia sáng, chiều, mỗi lần 200ml.

+ Thuốc cao đơn hoàn tán: Chọn lựa các loại thuốc từ dược liệu tùy theo tình trạng từng bệnh nhân.

– Phương pháp không dùng thuốc:

+ Tuỳ theo các khớp đau, điện mãng châm các huyệt giáp tích L2-L3 xuyên L5S1, trật biên xuyên hoàn khiêu, ân môn xuyên thừa phù, dương lăng tuyền xuyên âm lăng tuyền. Điện châm các huyệt thận du, yêu dương quan, đại trường du, cách du, dương lăng tuyền, thái xung, tam âm giao, thái khê, quan nguyên, thái bạch, thứ liêu, uỷ trung, a thị huyệt, giáp tích vùng thắt lưng, mỗi ngày 1 lần, mỗi lần 20 phút.

+ Xoa bóp bấm huyệt vùng thắt lưng.

+ Cấy chỉ điều trị đau vùng thắt lưng.

+ Vật lý trị liệu: chiếu đèn hồng ngoại, điện xung, điện phân, siêu âm điều trị, điện từ trường điều trị, sóng ngắn điều trị, kéo giãn cột sống.

IX. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

– Biến chứng: Đau lưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến chèn ép dây thần kinh tọa gây đau thần kinh tọa, biến dạng cột sống…

– Tiên lượng: điều trị lâu dài với thể phong hàn thấp kèm can thận hư.

X. PHÒNG BỆNH

Sau khi đã điều trị ổn định cần chú ý những điều sau đây để phòng bệnh tái phát:

– Chú ý giữ ấm, tránh lạnh, nhất là đối với vùng thắt lưng và chi dưới.

– Khi lao động thể lực cần chú ý khởi động tốt, nhất là khởi động vùng thắt lưng và chi dưới.

– Khi lao động thể lực hoặc khi tập luyện cần ở mức độ vừa phải, tránh quá sức, chú ý tránh các động tác đột ngột.

XI. TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bệnh học nội khoa cơ xương khớp
  2. Phác đồ chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp thường gặp
  3. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật y học cổ truyền (quyết định số 26/2008/QĐ-BYT)
  4. Quy trình kỹ thuật chuyên ngành phục hồi chức năng (quyết định 54/QĐ-BYT)
  5. Quy trình kỹ thuật chuyên ngành châm cứu (quyết định QĐ 792/QĐ-BYT)

Chịu trách nhiệm chuyên môn: BSCKI. Phạm Minh Ký – Trưởng Khoa

Người duyệt: PGĐ Nguyễn Văn Hướng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *