ĐAU VÙNG CỔ GÁY – LẠC CHẨM

I. ĐẠI CƯƠNG

Đau vùng cổ gáy là bệnh hay gặp trên lâm sàng, bệnh liên quan đến bệnh lý đốt sống cổ, xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi giới… Tuỳ theo mức độ và vị trí tổn thương người bệnh có những rối loạn cảm giác và vận động do các rễ thần kinh thuộc đám rối thần kinh cánh tay chi phối. Thường gặp đau hoặc tê sau gáy lan xuống vai tay có thể đơn độc hoặc kết hợp với yếu, giảm trương lực các cơ tương ứng với các rễ thần kinh bị tổn thương chi phối.

II. NGUYÊN NHÂN

* Theo YHHĐ:

-Thoái hoá cột sống sổ

-Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ

– Bệnh lý phần mềm cạnh cột sống cổ, bả vai; viêm cột sống; loãng xương, chấn thương

Theo YHCT:

– Do tấu lý sơ hở phong hàn thấp thừa cơ xâm nhập gây tổn thương kinh lạc, cản trở lưu thông khí huyết gây đau. Bệnh lâu ngày gây tổn thương cân cơ dẫn đến yếu, teo cơ.

– Do nguyên nhân nội nhân: những người cao tuổi bị bệnh lâu ngày, can thận hư làm cho khí huyết giảm sút khiến thận tổn thương không làm chủ được cốt tuỷ. Can huyết hư khiến cho khả năng nuôi dưỡng cân cơ suy giảm, từ đó gây đau cổ vai gáy.

– Các yếu tố bất nội ngoại nhân: khi ngủ gối cao đầu, ngồi không đúng tư thế cũng có thể gây nên tình trạng đau vai gáy.

III. SINH LÝ BỆNH

– Tùy thuộc vào nguyên nhân, đau lưng có thể kèm theo triệu chứng thần kinh.

– Nếu một rễ thần kinh bị ảnh hưởng, đau có thể lan ra xa dọc theo sự phân bố của rễ đó (đau lan theo đường đi của dây thần kinh). Cơ lực, cảm giác và phản xạ của khu vực được chi phối bởi rễ thần kinh đó có thể bị ảnh hưởng.

– Nếu tủy sống bị ảnh hưởng, cơ lực, cảm giác và phản xạ có thể bị giảm từ mức tủy tương ứng trở xuống (gọi là tổn thương thần kinh khoanh tủy).

– Bất kỳ bệnh lý gây đau cột sống nào cũng có thể gây thắt chặt (co thắt) cơ cạnh sống.

 IV. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

4.1. Theo YHHĐ

– Hội chứng cột sống cổ: đau vùng cổ gáy, hạn chế vận động cột sống cổ, có thể kèm theo dấu hiệu vẹo cổ, điểm đau cột sống cổ khi ấn vào các gai sau cạnh cột sống cổ tương ứng rễ thần kinh.

– Hội chứng rễ thần kinh: đau vùng gáy lan lên vùng chẩm và xuống vai hoặc cánh tay, bàn tay. Rối loạn vận động, cảm giác kiểu rễ: yếu cơ và rối loạn cảm giác. Dấu hiệu chuông bấm, nghiệm pháp spurling, nghiệm pháp dạng vai, nghiệm pháp kéo dãn cổ.

– Hội chứng tủy cổ: tê bì và mất khéo léo 2 bàn tay, teo cơ 2 tay, đi lại khó khăn. Giai đoạn muộn có thể liệt tứ chi, liệt ngoại vi 2 tay và liệt trung ương 2 chân, rối loạn cơ tròn.

– Hội chứng động mạch sống nền: đau đầu vùng chẩm, chóng mặt, ù tai, mờ mắt,mệt mỏi, mất thăng bằng.

– Có thể có rối loạn thần kinh thực vật.

4.2. Theo YHCT

– Thể phong hàn:Thường xảy ra đột ngột, bệnh nhân sau khi gặp lạnh, khi gánh vác nặng, gối cao.

Bệnh nhân đột nhiên xuất hiện đau nhức vùng vai gáy, quay cúi cổ khó khăn, ấn cơ thang, cơ ức đòn chũm, cơ bả vai thấy đau và co cứng so với bên lành, sợ lạnh, rêu trắng, mạch phù.

– Thể khí trệ huyết ứ (đau vai gáy do mang vác nặng, do sai tư thế): đau tại chỗ giống như thể do lạnh, thường xảy ra sau mang vác nặng hoặc sau nằm nghiêng, gối quá cao, mạch phù khẩn.

V. CẬN LÂM SÀNG

Công thức máu, tổng phân tích nước tiểu

– Hóa sinh máu: máu lắng

– Xquang ngực, xquang cột sống cổ: chụp trước sau, nghiêng, chếch ¾ phải và trái

– Siêu âm phần mềm

– MRI

– CT Scan: chỉ định khi không có MRI

VI. CHẨN ĐOÁN

6.1. Chẩn đoán xác định

* Theo YHHĐ: Đau vùng cổ gáy, bệnh đơn dây thần kinh chi trên

– Hội chứng cột sống cổ

– Hội chứng rễ thần kinh

– Hội chứng tủy cổ

– Hội chứng động mạch sống nền

* Theo YHCT:

– Lạc chẩm, kiên tý

Thể phong hàn: Chẩn đoán: Biểu – Thực – Hàn; Kinh đởm

Thể khí trệ huyết ứ:Chẩn đoán: Biểu – Thực; Kinh đởm

6.2. Chẩn đoán phân biệt

Lao cột sống

– Bệnh lý khớp vai và viêm quanh khớp vai

– Bệnh lý tim mạch hoặc hô hấp gây đau vùng cổ gáy

– Hội chứng lối ra lồng ngực, viêm đám rối thần kinh cánh tay, hội chứng đường hầm ống cổ tay

– Hội chứng đau loạn dưỡng giao cảm phản xạ

– Bệnh lý tủy sống do viêm, nhiễm trùng, đa xơ cứng

– Bệnh lý não, màng não, tim mạch, hô hấp, tiêu hóa gây đau vùng cổ vai hoặc tay

VII. TIÊU CHUẨN NHẬP VIỆN

Hội chứng cột sống cổ

– Hội chứng rễ thần kinh

– Hội chứng tủy cổ

– Hội chứng động mạch sống nền

– Hạn chế tầm vận động cột sống cổ

– Xquang: thoái hóa cột sống cổ, hình ảnh hẹp lỗ tiếp hợp. MRI có chèn ép rễ thần kinh…

Bệnh nhân cần nhập viện khi có ít nhất 2 tiêu chuẩn trên

VIII. ĐIỀU TRỊ

8.1. Nguyên tắc điều trị

– Điều trị triệu chứng kết hợp điều trị nguyên nhân nếu có thể

– Kết hợp điều trị thuốc, không dùng thuốc với các biện pháp phục hồi chức năng

8.2. Điều trị cụ thể

8.2.1. Theo YHHĐ

– Biện pháp không dùng thuốc:

+ giáo dục bệnh nhân thay đổi thói quen sinh hoạt, công việc

+ Bất động cột sống cổ bằng đai cổ mềm trong giai đoạn cấp

+ Tập vận động cột sống cổ, vai, cánh tay với bài tập thích hợp

+ Vật lý trị liệu: kích thích điện, siêu âm, xoa bóp, liệu pháp nhiệt, kéo giãn cột sống

– Thuốc:

+ Thuốc giảm đau: sử dụng theo bậc thang của WHO

+ Thuốc chống viêm

+ Thuốc giãn cơ

+ Thuốc giảm đau thần kinh: gabapentin, pregabalin; thuốc chống trầm cảm 3 vòng.

+ Thuỷ châm vitamin nhóm B

8.2.2. Theo YHCT

* Thể phong hàn (đau vai gáy do lạnh):

Pháp điều trị: khu phong tán hàn, hành khí, thông kinh lạc

– Thuốc: Sử dụng bài thuốc số 2 phần phụ lục và gia giảm theo tình trạng bệnh nhân. Các vị thuốc trong thang có thể thay đổi bằng các vị khác có cùng nhóm tác dụng tuỳ thuộc vào các vị thuốc hiện có trong kho thuốc và thầu thuốc từng thời kỳ. Sắc uống ngày 01 thang, uống chia sáng, chiều, mỗi lần 200ml.

– Thuốc cao đơn hoàn tán: Chọn lựa các loại thuốc từ dược liệu tùy theo tình trạng từng bệnh nhân.

– Phương pháp không dùng thuốc:

+ Châm cứu: Điện châm các huyệt: phong trì, giáp tích C4 – C7, kiên tỉnh, thiên trụ, kiên ngung, tý nhu, kiên trinh, phong phủ, thủ tam lý, đại chùy, kiên trung du, ngoại quan, nội quan, chi câu, khúc trì, hợp cốc, lao cung, tiểu hải, lạc chẩm, a thị huyệt.

Điện mãng châm: mỗi lần chọn 8 – 10 huyệt dưới đây: Giáp tích C4 xuyên C7, kiên ngung xuyên tý nhu, kiên trinh xuyên phong phủ, thiên trụ xuyên kiên trung du, ngoại quan xuyên chi câu, kiên tỉnh xuyên kiên ngoại du, khúc trì xuyên thủ tam lý, hợp cốc xuyên lao cung. Mỗi ngày 1 lần, mỗi lần 20ph.

+ Xoa bóp bấm huyệt vùng cổ gáy

+ Cấy chỉ điều trị đau vùng cổ gáy

* Thể khí trệ huyết ứ

– Pháp điều trị: hoạt huyết tiêu ứ, thư cân hoạt lạc

– Thuốc: Sử dụng bài thuốc số 1 phần phụ lục và gia giảm theo tình trạng bệnh nhân. Các vị thuốc trong thang có thể thay đổi bằng các vị khác có cùng nhóm tác dụng tuỳ thuộc vào các vị thuốc hiện có trong kho thuốc và thầu thuốc từng thời kỳ.Sắc uống ngày 01 thang, uống chia sáng, chiều, mỗi lần 200ml.

– Thuốc cao đơn hoàn tán:Chọn lựa các loại thuốc từ dược liệu tùy theo tình trạng từng bệnh nhân.

– Phương pháp không dùng thuốc:

+ Châm cứu:Điện châm các huyệt: phong trì, giáp tích C4 – C7, kiên tỉnh, thiên trụ, kiên ngung, tý nhu, kiên trinh, phong phủ, thủ tam lý, đại chùy, kiên trung du, ngoại quan, nội quan, chi câu, khúc trì, hợp cốc, lao cung, tiểu hải, lạc chẩm, a thị huyệt.

Điện mãng châm: mỗi lần chọn 8 – 10 huyệt dưới đây: Giáp tích C4 xuyên C7, kiên ngung xuyên tý nhu, kiên trinh xuyên phong phủ, thiên trụ xuyên kiên trung du, ngoại quan xuyên chi câu, kiên tỉnh xuyên kiên ngoại du, khúc trì xuyên thủ tam lý, hợp cốc xuyên lao cung.Điện mãng châm mỗi ngày 1 lần, mỗi lần 20ph

+ Xoa bóp bấm huyệt vùng cổ gáy

+ Cấy chỉ điều trị đau vùng cổ gáy

IX. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

Đau cổ vai gáy dài thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, hạn chế vận động, lâu ngày gây teo cơ, cứng khớp, trầm cảm… tăng gánh nặng tài chính cho gia đình và người bệnh.

X. PHÒNG BỆNH

Sau khi đã điều trị ổn định cần chú ý những điều sau đây để phòng bệnh tái phát:

– Chú ý giữ ấm, tránh lạnh, nhất là đối với vùng thắt lưng và chi dưới.

– Khi lao động thể lực cần chú ý khởi động tốt, nhất là khởi động vùng thắt lưng và chi dưới.

– Khi lao động thể lực hoặc khi tập luyện cần ở mức độ vừa phải, tránh quá sức, chú ý tránh các động tác đột ngột.

Tài liệu tham khảo:-

– Bệnh học nội khoa cơ xương khớp

– Phác đồ chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp thường gặp

XI. TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật y học cổ truyền (quyết định số 26/2008/QĐ-BYT)
  2. Quy trình kỹ thuật chuyên ngành phục hồi chức năng (quyết định 54/QĐ-BYT)
  3. Quy trình kỹ thuật chuyên ngành châm cứu (quyết định QĐ 792/QĐ-BYT)

Chịu trách nhiệm chuyên môn: BSCKI. Phạm Minh Ký – Trưởng Khoa

Người duyệt: PGĐ Nguyễn Văn Hướng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *