GIUN SÁN Ở TRẺ EM

I. ĐẠI CƯƠNG

Nhiễm giun sán ở trẻ em là một bệnh phổ biến ở các nước đang phát triển, cũng như ở nước ta do môi trường đất, nước bị nhiễm vi khuẩn và ấu trùng giun sán.

II. NGUYÊN NHÂN

– Giun đũa (Ascaris lumbricoides)

– Giun kim (Enterobius Vermicularis)

III. CHẨN ĐOÁN

3.1. Chẩn đoán bệnh giun đũa

3.1.1. Triệu chứng lâm sàng

* Hô hấp:

Hội chứng Loeffler.

+ Trẻ sốt nhẹ 37,8 – 38°C, đau ngực, ho húng hắng, ho cơn, đau ngực như cúm.   + Nghe phổi không có biểu hiện gì đặc biệt.

+ Chụp Xquang phổi xuất hiện nhiều vùng mờ thâm nhiễm ranh giới không rõ rệt mất đi hoàn toàn sau vài ngày không để lại dấu vết (thâm nhiễm mau bay).

+ Xét nghiệm bạch cầu ái toan tăng cao.

* Tiêu hóa:

Phần nhiều không gây triệu chứng gì rõ rệt, tuy nhiên có thể gặp một số triệu chứng tiêu hóa.

– Đau bụng: đau quanh rốn, đột ngột không rõ nguyên nhân rõ rệt, chóng khỏi, đau âm ỉ.

– Rối loạn tiêu hóa: chậm tiêu hay ứa nước bọt, ăn không ngon miệng.

– Tống giun ra ngoài: thấy trẻ ỉa ra giun hoặc nôn ra giun.

3.1.2. Xét nghiệm

– Loại bệnh phẩm: phân

– CTM, Sắt, Ferritin

– Phương pháp xét nghiệm: kỹ thuật Kato hoặc Kato-Katz

3.1.3. Chẩn đoán

– Giai đoạn ấu trùng di chuyển: tăng bạch cầu ái toan trong máu, huyết thanh chẩn đoán dương tính.

– Giun có mặt ở ruột: nôn hoặc ỉa ra giun, tìm trứng giun trong phân, có thể đếm số trứng trong một gam phân, bạch cầu ái toan trở về bình thường.

– Các biến chứng do giun gây nên phải dựa vào triệu chứng có giá trị chẩn đoán.

3.1.4. Chẩn đoán phân biệt

Khi có biến chứng phân biệt với tắc ruột, tắc mật hoặc viêm ruột thừa do giun.

3.2. Chẩn đoán bệnh giun kim

3.2.1. Triệu chứng lâm sàng

* Ngứa hậu môn

+ Ngứa có giờ nhất định, sau khi ngủ một thời gian ngắn. Ngứa dữ dội, trẻ khóc thét vào giờ nhất định. Do ngứa trẻ gái làm xây xát hậu môn, nhiễm trùng.

+ Khám: hậu môn sung huyết, có chấm đỏ nhỏ do giun kim cắn. Khi trẻ khóc có thể thấy giun kim bò ra ở hậu môn.

* Rối loạn tiêu hóa

+ Trẻ ỉa nhiều lần trong ngày, phân khi lỏng, khi sền sệt, có nhiều giun kim.

+ Buổi sáng ở hậu môn có thể có chất nhầy màu hồng.

* Thần kinh

+ Trẻ hay quấy khóc, ít hoặc bú hay nghiến răng.

3.2.2. Xét nghiệm

Dùng xelophan dính vào hậu môn vào buổi sáng sau đó dán lên lam kính và soi ngay tìm trứng giun kim. Tìm trứng giun kim trong phân thường khó hơn trứng giun đũa. Một lần phát hiện được 50%, 3 lần phát hiện được 90%, 5 lần phát hiện 99%.

IV. ĐIỀU TRỊ

4.1. Nguyên tắc điều trị

– Chọn thuốc có tác dụng với nhiều loại giun, ít độc, dùng một liều duy nhất vẫn đạt hiệu quả.

– Với giun kim, nếu tập thể bị nhiễm cao phải điều trị hàng loạt để tránh tái diễn

4.2. Điều trị cụ thể

– Siro piperazin 10% tác dụng tốt với giun đũa và giun kim: 75mg/kg/24 giờ cho liều trong hai ngày, liều tối đa là 3g/24 giờ.

Cho theo tuổi:         < 1 tuổi là 0.5g/24 giờ

> 1 tuổi tối đa là 3g/24 giờ

– Mebendazol: dùng 1 liều 500mg cho trẻ từ đủ 24 tháng.

– Albendazol 200mg: trẻ từ đủ 12 tháng đến 24 tháng dùng một liều duy nhất

Trẻ em từ đủ 24 tháng dùng 400mg một liều duy nhất.

– Pyrantel pamoate: có tác dụng trên cả giun đũa, giun móc và giun kim: 1mg/kg tối đa là 1g/24 giờ uống 1 lần, có thể nhắc lại sau 1 tuần.

V. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

5.1. Tiên lượng

Bệnh khỏi hoàn toàn nếu điều trị sớm và dứt điểm các nguồn lây.

5.2. Biến chứng bệnh giun đũa

– Ruột: gây tắc ruột, bán tắc ruột, viêm phúc mạc do thủng ruột.

– Gan tụy mật: gây giun chui ống mật, viêm đường mật, áp xe gan do giun, sỏi mật, viêm tụy cấp, chảy máu đường mật.

– Giun lạc chỗ: ấu trùng trong quá trình di chuyển theo đường máu cư trú ở những chỗ bất thường như da, não, cơ, tim….

5.3. Biến chứng bệnh giun kim

+ Chàm hóa, nhiễm trùng, viêm da vùng hậu môn do ngứa gãi nhiều

+ Giun chui ruột thừa gây viêm ruột thừa

+ Một số trường hợp thủng ruột do giun kim xâm lấn sau vào thành ruột

+ Ở trẻ nữ, giun có thể lạc vào âm đạo gây viêm nhiễm

+ Tình trạng nhiễm giun nặng và kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần, vận động của trẻ, giảm khả năng tập trung.

VI. PHÒNG BỆNH

– Tuyên truyền và giáo dục: nâng cao ý thức vệ sinh, bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân, đặc biệt là nền nhà, giường chiếu, quần áo của trẻ em.

– Xử trí phân đúng quy cách: dùng hố xí hai ngăn, thời gian ủ phân đảm bảo sẽ tiêu diệt hết trùng và ấu trùng giun, hố xí tự hoại.

– Không dùng phân tươi bón cây, rau, quả gây ô nhiễm môi trường đất, nước.

– Xây dựng tập quán vệ sinh:

+ Cắt móng tay

+ Rửa tay sạch sau khi đại tiện, trước khi ăn, làm thức ăn cho trẻ

+ Ăn chín, uống sôi, nguồn nước đảm bảo vệ sinh

+ Không để trẻ mặc quần hở đũng, rửa hậu môn cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng vào các buổi sáng sớm

– Tẩy giun định kỳ cho trẻ em từ 3-6 tháng 1 lần.

VII. TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Cục Y Tế Dự Phòng, 2016, “Các bệnh do giun, Các bệnh do giun thuộc nhóm bệnh C trong luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm”.
  2. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, ban hành kèm theo quyết định số 3312/QĐ-BYT ngày 07/08/2015 của Bộ trưởng Bộ y tế trang 335-344.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *