I. ĐẠI CƯƠNG
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên là một bệnh thường gặp của dây thần kinh sọ não số VII.
Y học cổ truyền gọi bệnh này là chứng “Khẩu nhãn oa tà” miệng và mắt méo lệch. Mặt mất cân đối rõ rệt, bên liệt không nhăn trán được, lông mày hơi sệ xuống. Mắt nhắm không kín, không làm được động tác phồng má, mím môi, miệng kéo lệch sang bên lành, ăn uống rơi vãi.
II. NGUYÊN NHÂN
2.1. Theo YHHĐ
– Do nguyên phát: phù nề thần kinh mặt do rối loạn miễn dịch
– Do virus: Nhiễm herpes simplex, herpes zoster, quai bị, cúm B,epstein – Barr, adenovirus …
– Viêm tai giữa
– Bệnh Lyme: Bệnh liên quan lây truyền vi khuẩn B
– Hội chứng Guillain – Barre’
– Bệnh u hạt – Sarcoidosis
– Khối u ở vị trí xương thái dương, ống tai trong, góc tiểu não hoặc tuyến mang tai
– Chấn thương gây vỡ xương, phù nề chèn ép thần kinh mặt
– Đột quỵ não
Các dây thần kinh phù nề bị chèn ép tối đa khi đi qua phần mê đạo của ống thần kinh mặt dẫn đến thiếu máu cục bộ và liệt
2.2. Theo YHCT
– Bệnh do phong hàn tà xâm nhập vào lạc mạch của các kinh dương ở mặt làm cho sự lưu thông kinh khí bị trở ngại, khí huyết không được điều hòa, kinh cân mất dinh dưỡng, cân nhục mềm nhẽo gây nên bệnh.
Mặt khác khi cơ thể ở tình trạng vệ khí hư, chính khí yếu do các nguyên nhân bên trong hoặc bên ngoài, bệnh tà nhân cơ hội xâm nhập vào các kinh mạch lạc mạch của cơ thể làm cho sự tuần hoàn của khí huyết trong kinh lạc bị ứ trệ dẫn đến sự rối loạn hoạt động của các cơ quan bộ phận trong cơ thể mà tạo nên bệnh.
– Do phong nhiệt tà xâm phạm vào kinh mạch, làm kinh cân thiếu dinh dưỡng mà gây nên. Nhiệt tà hay gây sốt và chứng viêm nhiệt, thiêu đốt tân dịch.
– Do sang chấn gây ra huyết ứ ở kinh lạc, từ đó mà gây liệt.
III. SINH LÝ BỆNH
Các cơ mặt được chi phối ngoại biên bởi dây số 7 cùng bên và chi phối trung ương bởi vỏ não đối bên. Thần kinh trung ương có xu hướng chi phối hai bên với mặt trên và một bên đối với mặt dưới. Do đó, cả tổn thương trung ương và ngoại biên có xu hướng làm liệt mặt dưới. Tuy nhiên, các tổn thương ngoại biên có xu hướng ảnh hưởng đến mặt trên hơn tổn thương trung ương.
IV. TRIỆU CHỨNG
4.1. Theo YHHĐ
– Đau sau tai xuất hiện đầu tiên, báo hiệu cảm giác tê hoặc nặng mặt.
– Liệt cả phần trên và phần dưới nửa mặt: cung lông mày chảy xệ, mất mờ nếp nhăn trán, mắt nhắm không kín, má xệ.
– Miệng và nhân trung méo lệch sang bên lành, rãnh mũi má mờ, chảy dãi hoặc không thể khép miệng, khó cười nói, khó cử động
– Đau trong tai, nhức đầu
– Giảm tiết nước mắt, tăng tiết dịch, mất vị giác ở hai phần ba trước của lưỡi
– Trường hợp liệt mặt do nhiễm trùng herpes simplex hoặc zoster, người bệnh còn bị đau dữ dội, sau đó có thể xuất hiện mụn nước và tiến triển thành hội chứng Ramsay-Hunt. Hội chứng Ramsay-Hunt đặc trưng bởi các mụn nước ở vòm miệng hoặc lưỡi do rối loạn chức năng tiền đình-ốc tai gây ra.
– Nếu liệt cả 2 bên thì mặt vẫn cân đối nhưng không bộc lộ được cảm xúc, chảy xệ, 2 mắt nhắm không kín
4.2. Theo YHCT
– Thể phong hàn: sau khi gặp mưa, gió lạnh, tự nhiên mắt nhắm không kín, bệnh nhân miệng méo cùng bên với mắt, nhân trung lệch, nói khó, ăn uống rơi vãi, không huýt sáo được. Sợ lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch phù.
– Thể huyết ứ: sau sang chấn bệnh nhân có các triệu chứng: mắt nhắm không kín, bệnh nhân miệng méo cùng bên với mắt, nhân trung lệch, nói khó, ăn uống rơi vãi, không huýt sáo được.
V. CẬN LÂM SÀNG
– Công thức máu
– Tổng phân tích nước tiểu
– Hóa sinh máu
– Chụp CT Scan sọ não
– Chụp MRI sọ não
– Ghi chẩn đoán điện: phản xạ Blink test và ghi dẫn truyền vận động thần kinh VII
– Nội soi tai mũi họng
VI. CHẨN ĐOÁN
– Thể phong hàn: Biểu – Thực – Hàn
– Thể huyết ứ: Biểu – Thực
VII. TIÊU CHUẨN NHẬP VIỆN
– Tê hoặc nặng nửa bên mặt, khó biểu lộ cảm xúc, đau sau tai
– Liệt cả phần trên và phần dưới nửa mặt, hội chứng charles bell dương tính
– Miệng và nhân trung lệch sang bên lành, nửa mặt bị bệnh chảy xệ.
– Ăn uống rơi vãi, không biểu hiện được cảm xúc nửa mặt
Bệnh nhân cần nhập viện khi có một trong các dấu hiệu trên
VIII. ĐIỀU TRỊ
8.1. Nguyên tắc điều trị
– Điều trị theo nguyên nhân gây bệnh
– Phục hồi chức năng cho bệnh nhân càng nhanh càng tốt
8.2. Điều trị cụ thể
8.2.1.Theo YHHĐ
– Điều trị bằng glucocorticoid đường uống ngắn hạn: nên bắt đầu trong vòng 3 ngày từ khi bắt đầu có triệu chứng: 60-80mg/ngày trong 1 tuần, cần dự phòng tác dụng phụ trên đường tiêu hóa.
– Liệu pháp kháng virus.
– Chăm sóc mắt để ngăn ngừa tổn thương giác mạc: sử dụng thuốc nhỏ nước mắt nhân tạo hàng ngày, đeo kính bảo hộ, trong khi ngủ nên bôi thuốc mỡ có công thức nước mắt nhân tạo.
– Vật lý trị liệu.
– Điều trị các bệnh lý là nguyên nhân dẫn đến bệnh.
– Thủy châm vitamin nhóm B.
8.2.2.Theo YHCT
* Thể phong hàn (liệt dây thần kinh VII ngoại biên do lạnh).
– Pháp điều trị: Khu phong, tán hàn, hành khí, hoạt huyết.
Bài thuốc:
Khương hoạt | 10g | Bạch thược | 20g |
Tế tân | 10g | Bạch truật | 20g |
Tần giao | 10g | Ý dĩ | 20g |
Phòng phong | 10g | Hoài sơn | 20g |
Kim ngân | 20g | Sa sâm | 10g |
Liên kiều | 15g | Cam thảo | 10g |
Ngũ gia bì | 20g | Đại táo | 20g |
Quế chi | 15g | Đỗ trọng | 15g |
Tỳ giải | 20g | Câu kỷ tử | 15g |
Thổ phục linh | 20g | Hồng hoa | 10g |
Đương quy | 20g | Đan sâm | 10g |
Xuyên khung | 15g | Đào nhân | 10g |
Đẳng sâm | 20g | Tục đoạn | 20g |
Hoàng kỳ | 20g | Thương truật | 20g |
Bạch linh | 15g | Viễn chí | 15g |
Liều lượng tùy theo tình trạng của bệnh nhân mà gia giảm cho phù hợp.
Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần – uống sáng – chiều, mỗi lần 200ml.
+ Bệnh nhân có hội chứng dạ dày gia Hoàng cầm 10g, ô tặc cốt 05g.
+ Bệnh nhân có viêm đại tràng mạn gia mộc hương bắc 10g, trần bì 10g, hoàng liên 10g, sa nhân 10g.
+ Bệnh nhân có tăng huyết áp bỏ hoàng kỳ, cam thảo gia thiên ma, câu đằng, cúc hoa.
+ Bệnh nhân có sỏi thận gia kim tiền thảo, chỉ xác, xa tiền tử.
+ Bệnh nhân có rối loạn lipid máu gia trạch tả, sơn thù.
+ Ghi chú: các vị thuốc trong thang có thể thay đổi bằng các vị khác có cùng nhóm tác dụng tuỳ thuộc vào các vị thuốc hiện có trong kho thuốc và thầu thuốc từng thời kỳ.
– Thuốc cao đơn hoàn tán:Chọn lựa các loại thuốc từ dược liệu tùy theo tình trạng từng bệnh nhân.
– Phương pháp không dùng thuốc:
+ Châm cứu: Huyệt tại chỗ: Toản trúc, tình minh, ty trúc không, dương bạch, địa thương, giáp xa, nghinh hương, ế phong, nhân trung, thừa tương.Huyệt toàn thân: Hợp cốc bên đối diện. Dùng hào châm, điện châm (với cường độ nhẹ nhàng theo ngưỡng kích thích người bệnh). Nên kết hợp ôn châm, thận trọng tàn rơi vào mắt, tránh bỏng.
Mỗi ngày châm cứu 1 lần, mỗi lần 30 phút, một liệu trình 10 ngày.
+ Xoa bóp: Dùng mặt trong 2 đốt ngón tay cái miết từ huyệt tinh minh lên huyệt toản trúc 10 lần. Miết từ huyệt toản trúc dọc theo cung lông mày tới huyệt thái dương 10 lần. Dùng ngón tay cái day từ huyệt toản trúc dọc theo cung lông mày tới huyệt thái dương 10 lần. Miết huyệt giáp xa đến địa thương 10 lần. Day huyệt giáp xa đến địa thương 10 lần. Dùng ngón tay cái phân huyệt nhân trung, thừa tương 10 lần.Xát má 10 lần. Bấm các huyệt đã nêu ở trên.
* Thể huyết ứ: (Liệt dây thần kinh VII ngoại biên do sang chấn).
– Pháp điều trị: Hành khí, hoạt huyết, thông lạc.
– Phương: đối pháp lập phương
Khương hoạt | 10g | Bạch thược | 20g |
Tế tân | 10g | Bạch truật | 20g |
Tần giao | 10g | Ý dĩ | 20g |
Phòng phong | 10g | Hoài sơn | 20g |
Kim ngân | 20g | Sa sâm | 20g |
Liên kiều | 15g | Cam thảo | 15g |
Ngũ gia bì | 20g | Đại táo | 20g |
Quế chi | 15g | Đỗ trọng | 15g |
Thổ phục | 20g | Câu kỷ tử | 15g |
Đào nhân | 10g | Hồng hoa | 10g |
Đương quy | 20g | Đan sâm | 10g |
Xuyên khung | 15g | Viễn chí | 15g |
Đẳng sâm | 20g | Tục đoạn | 20g |
Hoàng kỳ | 20g | Cốt toái | 20g |
Bạch linh | 15g | Mạch môn | 20g |
Liều lượng tùy theo tình trạng của bệnh nhân mà gia giảm cho phù hợp.
Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần – uống sáng – chiều, mỗi lần 200ml.
+ Bệnh nhân có hội chứng dạ dày gia Hoàng cầm 10g, ô tặc cốt 05g.
+ Bệnh nhân có viêm đại tràng mạn gia mộc hương bắc 10g, trần bì 10g, hoàng liên 10g, sa nhân 10g.
+ Bệnh nhân có tăng huyết áp bỏ hoàng kỳ, cam thảo gia thiên ma, câu đằng, cúc hoa.
+ Bệnh nhân có sỏi thận gia kim tiền thảo, chỉ xác, xa tiền tử.
+ Bệnh nhân có rối loạn lipid máu gia trạch tả, sơn thù.
+ Ghi chú: các vị thuốc trong thang có thể thay đổi bằng các vị khác có cùng nhóm tác dụng tuỳ thuộc vào các vị thuốc hiện có trong kho thuốc và thầu thuốc từng thời kỳ.
– Thuốc cao đơn hoàn tán:Chọn lựa các loại thuốc từ dược liệu tùy theo tình trạng từng bệnh nhân.
– Phương pháp không dùng thuốc:
+ Châm cứu: Thủ thuật: Châm tả, châm điện. Huyệt: Giống thể phong hàn. Châm thêm: huyệt Huyết hải, Túc tam lý
+ Xoa bóp: Giống thể phong hàn
Mỗi ngày châm 1 lần, mỗi lần 30 phút, mỗi liệu trình 10 ngày.
– Kết hợp YHHĐ
+ Vitamin B1 liều cao
+ Kháng sinh Ampicillin, Tetracyclin
+ Prednisolon
+ Thường xuyên nhỏ mắt bằng dung dịch Cloramfenicol 40/00
+ Tập các động tác ở mắt, trán, môi, miệng.
+ Phẫu thuật chỉnh hình khi di chứng, co cứng nửa mặt
IX. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG
– Khỏi:
+ Mắt nhắm kín Challes-Bell (-).
+ Nếp nhăn trán rõ.
+ Miệng, nhân trung, cân đối khi nghỉ ngơi và khi cười.
– Đỡ:
+ Hở khe mi mắt dưới 3mm.
+ Nếp nhăn trán mờ.
+ Rãnh mũi, má mờ.
+ Miệng-nhân trung cân đối khi nghỉ ngơi, lệch khi cười nói.
– Không khỏi.
+ Hở khe mi trên 3mm.
+ Nếp nhăn trán mất.
+ Rãnh mũi má mất.
+ Miệng – nhân trung lệch khi nghỉ ngơi, khi cười nói.
X. PHÒNG BỆNH
Phòng bệnh liệt mặt, khi rét tránh mở cửa đột ngột để gió lạnh tạt vào mặt. Vào mùa nóng khi ngủ không nên để quạt, máy điều hòa thổi thẳng vào mặt. Đối với những người làm việc và học tập ban đêm, không nên ngồi gần cửa sổ để tránh gió lùa. Người già ban đêm không nên ra ngoài. Ngoài ra, cần điều trị sớm và triệt để các nhiễm khuẩn tai, mũi, họng…
XI. TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bệnh học nội khoa cơ xương khớp
- Hướng dẫn quy trình kỹ thuật y học cổ truyền (quyết định số 26/2008/QĐ-BYT)
- Quy trình kỹ thuật chuyên ngành phục hồi chức năng (quyết định 54/QĐ-BYT)
- Quy trình kỹ thuật chuyên ngành châm cứu (quyết định QĐ 792/QĐ-BYT)
Chịu trách nhiệm chuyên môn: BSCKI. Phạm Minh Ký – Trưởng Khoa
Người duyệt: PGĐ Nguyễn Văn Hướng.
Một số bài viết khác:
Thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ vẫn thực hiện khám sức khỏe, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Nhận biết dấu hiệu và cách xử trí ban đầu khi gặp người đột quỵ não
TTYT huyện Tứ Kỳ công khai dự toán thu chi NSNN năm 2025
Ngày 25, 26 tháng 1 năm 2025 tức ngày 26, 27 âm lịch Trung tâm y tế huyện Tứ Kỳ vẫn thực hiện khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc bảo hiểm y tế
Thông báo về việc mời chào giá hàng hóa
Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ là cơ sở khám, chữa bệnh xếp cấp chuyên môn kỹ thuật cấp Cơ bản