Uống rượu ở mức độ hợp lý sẽ giúp tiêu hóa tốt và phòng ngừa các bệnh về tim mạch. Thế nhưng, rượu bia và các loại đồ uống có cồn nói chung gây rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Nhiều thống kê cho thấy từ năm 2010 đến nay, Việt Nam luôn nằm trong top các nước có tỷ lệ tiêu thụ rượu bia cao nhất thế giới.
Tại bất kỳ các sự kiện hay dịp lễ nào, đặc biệt là Tết, hay bữa cơm thường ngày, rượu bia xuất hiện như một điều tất yếu. Chính vì sự chủ quan này mà tỉ lệ mắc các bệnh liên quan đến rượu bia ngày càng tăng cao. Ngoài các tác hại dễ nhận thấy sau khi uống rượu bia như: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, chất cồn trong rượu bia còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, gây ra nhiều tác hại cho cơ thể mà chúng ta không ngờ tới.
TÁC HẠI CỦA RƯỢU BIA ĐẾN SỨC KHỎE CON NGƯỜI
Khi quá lạm dụng rượu bia, uống rượu bia quá mức cho phép sẽ đem đến nhiều tác hại như sau:
- Ảnh hưởng tới não bộ:
Khi một lượng cồn lớn vào trong cơ thể chúng gây rối loạn bộ não của cơ thể, khiến bộ não của chúng ta không còn kiểm soát, điều chỉnh được các hoạt động của các trung tâm dưới vỏ. Từ đó gây ra các hành động tiêu cực của người uống như đi đứng loạng choạng, phản ứng chậm, mất kiểm soát, suy giảm trí nhớ và tinh thần không ổn định.
- Ảnh hưởng đến tim mạch:
Rượu bia làm cho cơ tim bị thoái hóa, bộ máy tim mạch bị tổn thương, có thể gây ra suy tim. Dùng rượu mạnh trong thời gian dài có thể gây giãn cơ tim, phì đại tâm thất và xơ hóa.
Rượu bia cũng làm tăng khả năng cao huyết áp. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ lớn của đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Uống rượu cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ, do vậy càng làm tăng huyết áp. Những người uống nhiều rượu bia cũng thường có lối sống không lành mạnh, nên càng dễ mắc bệnh tim mạch.
- Tác hại đến dạ dày
Theo một số nghiên cứu, khi rượu bia vào trong cơ thể sẽ bị phân hủy từ ethanol thành các acetaldehyde (chất rất độc) có thể gây viêm loét dạ dày.
Rượu kích thích niêm mạc dạ dày, khiến cho nó tiết nhiều axit tiêu hóa hơn. Khi rượu và cả axit tích tụ trong dạ dày, bạn có thể thấy buồn nôn và nôn.
- Tác hại với gan
Khi rượu vào cơ thể nó được hấp thụ nhanh với 20% hấp thu tại dạ dày và 80% tại ruột non, sau 30-60 phút toàn bộ rượu được hấp thu hết. Sau đó, rượu được chuyển hóa chủ yếu vào tại gan (90%). Trong quá trình này, gan phải hứng chịu một đợt tấn công của rất nhiều độc tố.
Khi đó, chức năng ngăn các chất độc khác nhau do máu mang từ ruột hoặc ở ngoài đến gan bị suy giảm, dẫn đến việc gan bị nhiễm mỡ, xơ gan, và nghiêm trọng hơn, nó có thể gây ra ung thư gan.
- Làm tổn thương tuyến tụy, gây tiểu đường, ung thư
Thông thường, tụy là nơi sản xuất insulin, giúp điều hòa nồng độ đường trong máu và một loạt các hooc-môn khác giúp ruột tiêu hóa thức ăn.
Khi uống nhiều rượu, quá trình sản sinh các hooc-môn này sẽ bị gián đoạn hoặc làm chậm. Cùng với đó, các độc chất tích tụ vào tụy có thể gây viêm tụy, dần già dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng hơn.
Một ngày nào đó, khi tuyến tụy bị mất chức năng, không thể tạo ra insulin, bạn sẽ bị mắc tiểu đường type 2. Rượu cũng làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh Gout
Gout là hiện tượng thừa axit uric khiến chúng tích tụ ở các cơ: ngón chân cái, mắt cá chân, đầu gối khiến cho việc đi lại hết sức khó khăn. Lạm dụng rượu bia quá mức dần dần làm hỏng các bộ phận trên cơ thể bạn và đặc biệt là gan và thận khiến cơ thể không có khả năng loại bỏ độc tố và các chất độc hại khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh Gout cao hơn.
- Loãng xương, tiêu cơ bắp
Tiêu thụ nhiều rượu có thể làm giảm lượng canxi trong cơ thể. Cùng với cách nó ảnh hưởng đến các hooc-môn tăng tưởng, rượu sẽ ngăn chặn quá trình hình thành tế bào xương mới. Khi đó, bạn sẽ dễ bị loãng xương.
Chất cồn hạn chế máu đến cơ bắp, theo thời gian sẽ khiến bạn bị tiêu giảm cơ bắp và yếu hơn.
- Ảnh hưởng đến khả năng tình dục và sức khỏe sinh sản
Đối với nam giới, nồng độ cồn trong máu từ 8 -10 g/100cc đủ làm giãn nở mạch máu, gây cản trở quá trình quan hệ, đặc biệt rượu bia còn làm ảnh hưởng chất lượng tinh trùng, khi kết hợp với trứng để thụ thai dễ dẫn đến suy yếu thế hệ.
Đối với nữ giới nghiện rượu sẽ làm suy yếu vùng hạ đồi – tuyến yên, buồng trứng dẫn đến trứng không rụng nữa, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, gây nguy cơ sinh non…
- Ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể
Rượu bia có thể “giết chết” tế bào bạch cầu mà cơ thể tạo ra để chống lại bệnh tật, phá hủy hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Những người uống rượu thường xuyên trong thời gian dài cũng vì thế mà hay bị viêm phổi hoặc lao.
Rượu bia có tác hại rất lớn đối với cơ thể, là một trong mười nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Người dân cần phải nâng cao ý thức về việc sử dụng rượu bia ở mức độ hợp lý, tránh gây ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt rượu bia sẽ tác hại lớn đối với gan, lá gan sẽ không còn hoạt động bình thường được nữa, và một ngày có thể bị suy dẫn đến tử vong nếu không được ghép gan mới.
Một số bài viết khác:
HƯỚNG DẪN TIÊM AN TOÀN
HƯỚNG DẪN GHI CHÉP THEO DÕI NGƯỜI BỆNH
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN 5 ĐÚNG KHI DÙNG THUỐC
KHÁM CHỮA BỆNH THỨ 7 VÀ CHỦ NHẬT!
Sử dụng Sổ sức khỏe điện tử VNeID tại Trung tâm y tế huyện và 20 trạm y tế xã, thị trấn trực thuộc
Hội nghị quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII