I. ĐẠI CƯƠNG
– Viêm dạ dày: có tổn thương viêm vi thể của niêm mạc dạ dày, thể hiện sự đáp ứng của dạ dày đối với các yếu tố tấn công.
– Viêm tá tràng: là tình trạng viêm vi thể của niêm mạc tá tràng, có thể kèm theo hiện tượng cùn mòn các nhung mao.
– Loét dạ dày và tá tràng: Là tình trạng tổn thương sâu làm mất tổ chức niêm mạc một cách có giới hạn ở phần ống tiêu hóa có bài tiết acid và pepsin.
– Nhiễm H.pylori: là tình trạng các test chẩn đoán nhiễm H.pylori dương tính.
II. NGUYÊN NHÂN
– Do mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng và các yếu tố tấn công.
– Do xoắn khuẩn Helicobacter Pylori.
– Do stress.
– Do di truyền.
– Do thuốc: Corticoid, kháng viêm không Steroid…
III. CHẨN ĐOÁN
3.1. Chẩn đoán xác định
* Lâm sàng:
– Trẻ lớn và vị thành niên thường gặp đau thượng vị với các mức độ khác nhau. Đau thượng vị có thể giảm khi ăn ít.
– Trẻ nhỏ thường biểu hiện bằng ăn kém, chán ăn, nôn, khóc cơn, nôn máu, ỉa phân đen.
– Trẻ nhỏ thường kêu đau mơ hồ chủ yếu là đau quanh rốn hoặc khu trú bụng trên.
– Đôi khi trẻ nôn do tắc hay hẹp môn vị do viêm loét hay phù nề.
– Tính chất đau chủ yếu là đau nặng nề, âm ỉ không đau nóng rát hay đau chói như người lớn. Cơn đau thường kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
– Nôn máu ỉa phân đen khi có xuất huyết tiêu hóa.
– Thiếu máu các mức độ từ nhẹ đến nặng do giảm hấp thu sắt hoặc do xuất huyết.
* Cận lâm sàng:
– Nội soi dạ dày – tá tràng:
Hình ảnh tổn thương viêm nốt lần sần, loét trợt nông, loét sâu mới, đang chảy máu hay loét cũ, sẹo loét…
– Clo test chẩn đoán H.P dương tính khi có nhiễm H.P.
– Chụp Xquang đối quang kép được dùng để chẩn đoán loét dạ dày trong trường hợp không thể nội soi dạ dày được.
– Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi đánh giá tình trạng thiếu máu.
– Siêu âm ổ bụng loại trừ các bệnh không phải viêm dạ dày tá tràng.
3.2. Chẩn đoán phân biệt
– Đau bụng chức năng trong giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì
– Rối loạn co thắt đường ruột
– Viêm túi mật
– U nang ống mật chủ
– Viêm gan
– Viêm tụy cấp
– Viêm dạ dày ruột do Eosinophils
– Scholein-Henoch
– Nhiễm trùng tiết niệu, sỏi thận
IV. ĐIỀU TRỊ
4.1. Nguyên tắc điều trị
– Điều trị nguyên nhân
– Điều trị triệu chứng
– Điều trị biến chứng
4.2. Điều trị cụ thể
* Điều trị nguyên nhân:
– Khi bệnh nhân có Clotest có H.P dương tính thì dùng theo phác đồ:
- Amoxicillin + Clarithromycin + PPI: Omeprazol, Esomeprazol, Lansoprazol uống 2 lần mỗi ngày trong 14 ngày
- Amoxicillin + Metronidazole + PPI: Omeprazol, Esomeprazol, Lansoprazol uống 2 lần mỗi ngày trong 14 ngày
- Metronidazol + Clarithromycin + PPI: Omeprazol, Esomeprazol, Lansoprazol uống 2 lần mỗi ngày trong 14 ngày.
Sau khi dùng phác đồ ba thuốc phối hợp tiếp tục dùng PPI đến khi được 4-6 tuần.
Ức chế bơm proton H+ (PPI) gồm các thuốc sau:
Omeprazole liều 1mg/kg/ngày uống 1 lần mỗi ngày
Esomeprazol liều 1mg/kg/ngày tối đa 20mg/ngày, uống 1 lần mỗi ngày
Lansoprazol liều 1-2mg/kg/ngày uống 1 lần mỗi ngày
Chú ý: nhiều thuốc không dùng được cho trẻ em do nhà sản xuất quy định.
Khi điều trị PPI không đỡ có thể thay thế bằng các thuốc kháng H2:
Cimetidin liều 20-40mg/kg/ngày chia 2-4 lần
Ranitidin liều 4-10 mg/kg/ngày chia 2-3 lần
Famotidin liều 1-2 mg/kg/ngày chia 2 lần
Nizatidin liều 10 mg/kg/ngày chia 2 lần
– Khi bệnh nhân có Clo test âm tính thì chỉ cần dùng PPI hoặc kháng H2 theo liều trong thời gian từ 4-6 tuần.
* Điều trị triệu chứng:
Thuốc bọc niêm mạc Sucralfat liều từ 40-80mg/kg/ngày chia 2-3 lần.
Gastropulgite trẻ em 1/3- 1 gói/lần x 3 lần/ngày.
Diosmectite gói 3g với trẻ < 1 tuổi dùng 1 gói/ngày chia đôi; trẻ 1-3 tuổi dùng 2 gói/ngày chia đôi; trẻ > 3 tuổi dùng ngày 3 gói chia 3 lần.
Kremil-S: trẻ em > 12 tuổi 2-4 viên mỗi 4 giờ.
Maalox: trẻ lớn 1-2 viên sau khi ăn hoặc khi bị đau khó chịu.
– Khi trẻ nôn nhiều truyền Natri Clorid 0,9% với liều 50-80ml/kg/ngày tốc độ 30-40 giọt/phút.
– Khi trẻ đau nhiều có thể dùng Dimerol theo liều 1,2mg/kg/lần tiêm tĩnh mạch chậm giúp giảm co thắt.
– Nospa 40mg: trẻ em 1-6 tuổi dùng mỗi lần 1 viên ngày 2-3 lần; trẻ > 6 tuổi dùng mỗi lần một viên ngày 2-5 lần.
V. TIÊN LƯỢNG, BIẾN CHỨNG
5.1. Tiên lượng
– Gần: thường thì bệnh nhân sẽ giảm triệu chứng trong 1 tuần đầu và khỏi hẳn trong 4-6 tuần. Một số ít có nhiễm H.P kháng thuốc phải chuyển tuyến trên làm kháng sinh đồ.
– Xa: có thể tái phát nhiều lần.
5.2. Biến chứng
– Xuất huyết tiêu hóa
– Thủng dạ dày tá tràng
– Thiếu máu
VI. PHÒNG BỆNH
– Trong gia đình có người được chẩn đoán nhiễm H.pylori, sự cách ly giữa các thành viên trước khi người bị nhiễm được điều trị khỏi là rất cần thiết.
– Theo dõi sau điều trị và tìm nguyên nhân tái nhiễm H.pylori là rất cần thiết
– Với loét thứ phát cần thận trọng trong việc chỉ định các thuốc có corticoid và các thuốc kháng viêm không steroid.
VII. TIÊU CHUẨN NHẬP VIỆN
– Đau bụng nhiều không chịu được
– Nôn nhiều
– Chảy máu dạ dày – tá tràng
VIII. TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, NXB y học năm 2016, trang 363-370.
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, ban hành kèm theo quyết định số 3312/QĐ-BYT ngày 07/08/2015 của Bộ trưởng Bộ y tế, trang 362-370.
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh trẻ em, NXB y học năm 2015, trang 271-276.
- Bài giảng nhi khoa sau đại học năm 2015, trang 403-419.
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương năm 2018, trang 1022-1027.
Chịu trách nhiệm chuyên môn: BSCKI. Đỗ Trọng Tuấn – Phó trưởng Khoa
Người duyệt: PGĐ Nguyễn Văn Hướng.
Một số bài viết khác:
Thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ vẫn thực hiện khám sức khỏe, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Nhận biết dấu hiệu và cách xử trí ban đầu khi gặp người đột quỵ não
TTYT huyện Tứ Kỳ công khai dự toán thu chi NSNN năm 2025
Ngày 25, 26 tháng 1 năm 2025 tức ngày 26, 27 âm lịch Trung tâm y tế huyện Tứ Kỳ vẫn thực hiện khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc bảo hiểm y tế
Thông báo về việc mời chào giá hàng hóa
Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ là cơ sở khám, chữa bệnh xếp cấp chuyên môn kỹ thuật cấp Cơ bản