I. ĐẠI CƯƠNG
– Đau dây thần kinh tọa được biểu hiện bởi cảm giác đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa: đau tại cột sống thắt lưng xuống hông dọc theo mặt sau đùi xuống cẳng chân, lan ra ngón cái hoặc út (tuỳ theo rễ bị đau).
– Theo Y học cổ truyền đau dây thần kinh hông còn gọi là “yêu cước thống”, “tọa cốt phong”, “tọa điền phong”, thuộc phạm vi “chứng tý”.
II. NGUYÊN NHÂN
– Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân hay gặp nhất: đĩa đệm cột sống lồi ra và đè trực tiếp lên dây thần kinh tọa. Đĩa đệm có nhiệm vụ giảm sốc cho cột sống nhưng trong một số trường hợp có thể thoát vị và đè lên dây thần kinh.
– Các nguyên nhân khác bao gồm: chấn thương, viêm khớp thoái hóa gây kích thích hoặc sưng dây thần kinh tọa, viêm đĩa đệm đốt sống, tổn thương thân đốt sống (thường do lao, vi khuẩn, u), bất thường cột sống thắt lưng cùng…
– Hiếm gặp hơn nữa là dây thần kinh tọa bị chèn bởi khối u, cơ, bị chảy máu trong, nhiễm trùng và biến chứng từ chấn thương như gãy xương chậu, chấn thương, mang thai.
– Theo YHCT: Do phong hàn, phong thấp, phong nhiệt thừa cơ tấu lý sơ hở xâm lấn vào kinh túc Thái dương Bàng quang và túc Thiếu dương đởm, hoặc do chính khí hư yếu, rối loạn chức năng tạng phủ nhất là tạng can, thận hoặc do lao động quá sức, trọng thương gây huyết ứ, khí ứ làm bế tắc kinh khí của kinh Bàng quang, kinh Đởm gây đau.
III. SINH LÝ BỆNH
Đau thần kinh tọa thường do chèn ép rễ thần kinh, thường là do thoát vị đĩa đệm gian đốt sống, bất thường về xương, hẹp ống sống, hoặc ít thường xuyên hơn là khối u trong tủy sống hoặc áp xe trong tủy sống. Chèn ép có thể xảy ra bên trong ống tủy hoặc ở lỗ liên hợp. Các rễ thần kinh cũng có thể bị chèn ép bên ngoài cột sống, trong khung chậu hoặc mông. Rễ thần kinh L5-S1, L4-L5, và L3-L4 thường bị ảnh hưởng nhất.
IV. TRIỆU CHỨNG
– Đau dọc theo đường đi của dây thần kinh hông, đau tại cột sống thắt lưng lan xuống mặt ngoài đùi, cẳng chân, bàn ngón chân. Một số trường hợp không đau cột sống thắt lưng, chỉ đau dọc chân.
– Đau có thể liên tục hoặc từng cơn, giảm khi nằm, nghỉ ngơi, tăng khi đi lại nhiều. Trường hợp có hội chứng chèn ép: tăng khi ho, rặn, hắt hơi, có thể yếu cơ. Giai đoạn muộn có teo cơ tứ đầu đùi, hạn chế vận động, có thể có tư thế giảm đau, co cứng cơ cạnh sống.
V. CẬN LÂM SÀNG
– Công thức máu
– Tổng phân tích nước tiểu
– Hóa sinh máu: máu lắng, CRP
– Xquang cột sống thắt lưng
– MRI cột sống thắt lưng
– CT Scan: khi không có điều kiện chụp MRI
– Điện cơ
VI. CHẨN ĐOÁN
6.1. Chẩn đoán xác định
Dựa vào triệu chứng lâm sàng đau dọc theo dây thần kinh tọa là quan trọng nhất. Hệ thống điểm đau valleix, dấu chuông bấm, dấu hiệu lasegue dương tính.
6.2. Chẩn đoán phân biệt
– U, ung thư xương, khối u của tủy.
– Đau thần kinh đùi, đau thần kinh bì đùi, đau thần kinh bịt.
– Đau khớp háng do viêm, hoại tử, thoái hóa, chấn thương.
– Viêm khớp cùng chậu, abces cơ thắt lưng chậu.
VII. TIÊU CHUẨN NHẬP VIỆN
– Đau dọc đường đi của dây thần kinh tọa. Thang điểm đau VAS 4-10
– Hạn chế vận động thắt lưng và/hoặc chân bị chèn ép
– Đau ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân
VIII. ĐIỀU TRỊ
8.1. Nguyên tắc điều trị
– Điều trị theo nguyên.
– Giảm đau và phục hồi vận động nhanh.
– Điều trị nội khoa với những trường hợp nhẹ và vừa.
– Can thiệp ngoại khoa khi có những biến chứng liên quan đến vận động, cảm giác.
– Điều trị giải ép cột sống kết hợp chuyên khoa ung bướu trong trường hợp đau thần kinh tọa do nguyên nhân ác tính.
8.2. Điều trị cụ thể
8.2.1. Điều trị theo y học hiện đại
– Chế độ nghỉ ngơi: nằm giường cứng, tránh tác động mạnh đột ngột, mang vác nặng, đứng ngồi quá lâu.
– Thuốc: giảm đau, giãn cơ, phối hợp các thuốc giảm đau thần kinh, tiêm ngoài màng cứng hoặc tiêm cạnh sống corticosteroid
– Vật lý trị liệu: massage liệu pháp, siêu âm, sóng ngắn, điện xung, kéo giãn cột sống. Thể dục: những bài tập kéo giãn hoặc ấn cột sống, khối cơ, dây chằng và gân.
8.2.2. Quy trình điều trị các thể theo YHCT
* Theo YHCT, đau dây thần kinh tọa có 4 thể, tại khoa YHCT – PHCN thường gặp thể bệnh sau:
Thể phong hàn thấp: (Thoái hoá cột sống, cùng hoá L5-S1 gai đôi L5-S1).
– Chẩn đoán bát cương: Biểu thực hàn hoặc biểu lý tương kiêm.
– Pháp điều trị: Khu phong, tán hàn, trừ thấp, thông kinh hoạt lạc hay khu phong, kiện tỳ, trừ thấp, bổ can thận.
* Điều trị:
– Thuốc: Sử dụng bài thuốc số 1 phần phụ lục và gia giảm theo tình trạng bệnh nhân. Các vị thuốc trong thang có thể thay đổi bằng các vị khác có cùng nhóm tác dụng tuỳ thuộc vào các vị thuốc hiện có trong kho thuốc và thầu thuốc từng thời kỳ. Sắc uống ngày 01 thang, uống chia sáng, chiều, mỗi lần 200ml.
– Thuốc cao đơn hoàn tán:Chọn lựa các loại thuốc từ dược liệu tùy theo tình trạng từng bệnh nhân.
– Phương pháp không dùng thuốc:
+ Châm cứu: Ôn điện châm. Điện châm các huyệt: Giáp tích L3 – S1, thận du, đại trường du, thứ liêu, trật biên, hoàn khiêu, ân môn, thừa phù,thừa sơn, ủy trung, dương lăng tuyền, côn lôn, a thị huyệt, mỗi ngày 1 lần, mỗi lần 20 phút.
+ Xoa bóp bấm huyệt vùng lưng và chân bên bệnh.
+ Cấy chỉ điều trị đau.
IX. TIÊN LƯỢNG
Tùy theo từng thể bệnh mà có tiên lượng vừa hoặc điều trị lâu dài.
X. PHÒNG BỆNH
– Tập thể dục thường xuyên nhẹ nhàng, không quá sức để nâng cao thể lực, áp dụng các bài tập tăng cường sự dẻo dai, khỏe mạnh của các khối cơ lưng cạnh cột sống, cơ bụng và tăng sự mềm mại của cột sống. Tránh các động tác thể thao hoặc vận động quá mức như golf, bóng chuyền, tennis, bóng rổ, cầu lông…
– Duy trì tư thế thích hợp ngồi: chọn một chỗ ngồi có hỗ trợ lưng dưới tốt, tay vịn và chân đế xoay. Cân nhắc đặt một chiếc gối hoặc khăn cuộn ở phía sau lưng để duy trì đường cong bình thường của nó.
– Sử dụng cơ thể tốt: hạn chế sử dụng cột sống thắt lưng để làm việc như mang vác nặng. Sử dụng chi dưới để nâng vật nặng, giữ lưng thẳng và chỉ uốn cong ở đầu gối. Tránh nâng và vặn thắt lưng.
XI. TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bệnh học nội khoa cơ xương khớp
- Hướng dẫn quy trình kỹ thuật y học cổ truyền (quyết định số 26/2008/QĐ-BYT)
- Quy trình kỹ thuật chuyên ngành phục hồi chức năng (quyết định 54/QĐ-BYT)
- Quy trình kỹ thuật chuyên ngành châm cứu (quyết định QĐ 792/QĐ-BYT)
Chịu trách nhiệm chuyên môn: BSCKI. Phạm Minh Ký – Trưởng Khoa
Người duyệt: PGĐ Nguyễn Văn Hướng.
Một số bài viết khác:
Thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ vẫn thực hiện khám sức khỏe, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Nhận biết dấu hiệu và cách xử trí ban đầu khi gặp người đột quỵ não
TTYT huyện Tứ Kỳ công khai dự toán thu chi NSNN năm 2025
Ngày 25, 26 tháng 1 năm 2025 tức ngày 26, 27 âm lịch Trung tâm y tế huyện Tứ Kỳ vẫn thực hiện khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc bảo hiểm y tế
Thông báo về việc mời chào giá hàng hóa
Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ là cơ sở khám, chữa bệnh xếp cấp chuyên môn kỹ thuật cấp Cơ bản