ĐIỀU DƯỠNG – NGHỀ THẦM LẶNG CAO QUÝ VÀ THIÊNG LIÊNG

Để ghi nhận và tôn vinh giá trị nghề nghiệp cũng như những đóng góp quan trọng của người điều dưỡng trong chăm sóc sức khỏe, Hội đồng Điều dưỡng Thế giới (ICN) đã chọn ngày 12 tháng 5 hằng năm là ngày Quốc tế Điều dưỡng . Năm 2023, ICN đã đưa ra thông điệp nhân ngày Quốc tế Điều dưỡng là: “Điều dưỡng chúng ta – Tương lai của chúng ta”.

Điều dưỡng không chỉ là ngành nghề cao quý, thiêng liêng mà còn là nghề vô cùng vất vả, phải đánh đổi hầu hết thời gian để ở bên cạnh bệnh nhân, chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất, trực tiếp chịu trách nhiệm về tình hình sức khỏe. Ngoài những công việc hàng ngày như: theo dõi, tiêm thuốc cho bệnh nhân, nhận định tình trạng của bệnh nhân, ghi hồ sơ bệnh án… họ phải luôn dành thời gian thăm hỏi, an ủi gia đình bệnh nhân cũng như bệnh nhân yên tâm điều trị, yêu thương bệnh nhân như chính người thân trong gia đình của mình. Có thể thấy, bên cạnh những vất vả ấy người điều dưỡng còn phải đối mặt với nhiều rủi ro không mong muốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tuy nhiên đối với họ lòng nhiệt huyết và tận tâm với nghề vẫn không bao giờ nguội tắt.

Cùng với đó, trong xã hội vẫn chưa đánh giá đúng về vị trí, vai trò của ngành điều dưỡng trong y tế, vẫn còn quan niệm rằng điều dưỡng là người giúp việc và hỗ trợ kỹ thuật đơn thuần cho bác sĩ, chỉ thực hiện y lệnh của bác sĩ. Tuy nhiên, vai trò của điều dưỡng còn nhiều hơn, họ là một mắt xích rất quan trọng trong sự thành công hay thất bại của một ca điều trị. Thái độ phục vụ người bệnh của điều dưỡng, sự chia sẻ của điều dưỡng chính là thước đo để người bệnh đánh giá về chất lượng phục vụ của bệnh viện. Do đó, điều dưỡng không chỉ chăm sóc người bệnh bằng y lệnh đơn thuần mà phải chủ động trong chăm sóc, chia sẻ với người bệnh, chủ động học hỏi để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

Ảnh: Lễ kỉ niệm ngày quốc tế điều dưỡng 12/5

Nghề Điều dưỡng thực sự là một nghề cao cả, bản thân người làm nghề luôn cảm thấy tự hào, nghề Điều dưỡng luôn là một nghề được cả xã hội đón nhận và tôn vinh. Những người theo nghề này thực sự mang sự quyết tâm và can đảm rất lớn. Họ hy sinh bản thân vì lợi ích của người bệnh. Cùng thống khổ  với từng nỗi đau, những sự dằn vặt, mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần của người bệnh.

Điều dưỡng – Người ta luôn ví với cái tên “nghề làm dâu trăm họ”, Bởi rằng đối tượng mà Điều dưỡng tiếp xúc chính là người bệnh và người nhà của họ. Mà người bệnh thì không ai giống ai, từ bệnh tình cho đến suy nghĩ, thái độ, cách cư xử và để gần gũi, hiểu được điều người bệnh muốn, không phải là chuyện dễ. Điều dưỡng là người hàng ngày tiếp xúc nhiều nhất, trực tiếp nhất đối với người bệnh và người nhà người bệnh. Để có thể chăm sóc tốt cho người bệnh, điều dưỡng luôn quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu các nhu cầu về thể chất và tinh thần của người bệnh. Người gặp người bệnh đầu tiên tại bệnh viện là điều dưỡng, người dặn dò chia tay người bệnh xuất viện cũng là điều dưỡng. Người chào đón, chăm sóc đứa trẻ trong những giây phút chào đời và cũng là người chăm sóc, kề cận người bệnh trong những tháng ngày từ giã cuộc đời cũng chính là điều dưỡng. Mỗi con người đều trải qua sinh – lão – bệnh – tử và người điều dưỡng luôn đồng hành cùng họ trong suốt quá trình đó.

Ai theo nghề Điều dưỡng cũng phải là người biết chấp nhận hy sinh và là người can đảm, bởi áp lực công việc rất cao. Phải thực sự yêu nghề, có năng lực và phải có một tấm lòng nhân hậu mới đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp. Nhưng hơn hết tính mạng của con người là quan trọng, hạnh phúc biết bao khi cùng đồng nghiệp cứu sống một người qua cơn bệnh tật, cứu một mạng người.

Người làm nghề điều dưỡng để có thể chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu thì cần có niềm đam mê và tình yêu nghề nghiệp. Nếu không có một tình yêu nghề, yêu người thực sự, họ đã không chọn nghề này.

Và những người điều dưỡng của Trung tâm y tế Tứ Kỳ chúng tôi còn luôn xây dựng một hình ảnh của riêng  mình đó là “ phong cách – tự tin- chuyên nghiệp” để luôn xứng đáng với lời dạy của Người “ Thầy thuốc như mẹ hiền”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *