TRUYỀN THÔNG NGÀY TIM MẠCH THẾ GIỚI 29/9

TRUYỀN THÔNG NGÀY TIM MẠCH THẾ GIỚI 29/9

1. Lịch sử ra đời Ngày Tim mạch thế giới

Năm 1999,  Liên đoàn Tim mạch Thế giới  với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới đã thống nhất lấy ngày 29/9 hàng năm là ngày Tim mạch thế giới . Ngày này ra đời với sứ mệnh đơn giản nhưng đầy ý nghĩa đó là nâng cao nhận thức của cộng đồng toàn cầu về bệnh tim mạch và những nguy cơ mà nó mang lại.

Bệnh tim mạch là từ chung miêu tả các bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của tim và các mạch máu, là thủ phạm gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ. Gián đoạn hoặc không cung cấp đủ Oxy đến các cơ quan trong cơ thể làm các cơ quan nội tạng bị phá huỷ hoặc thậm chí tử vong. Nếu bị bệnh tim mạch, tim và não có nguy cơ bị ảnh hưởng cao. Một số bệnh tim mạch tiêu biểu bao gồm tăng huyết áp, đột quỵ, suy tim, bệnh động mạch vành,…

2. Vì sao phải ổn định huyết áp để bảo vệ trái tim?

Trái tim và chỉ số huyết áp vốn dĩ có mối quan hệ khăng khít với nhau. Một trái tim bị bệnh sẽ biểu hiện qua con số huyết áp thay đổi thất thường. Và ngược lại huyết áp vượt ngưỡng an toàn sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động của tim mạch. Số liệu thống kê của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy: 90% trường hợp suy tim có tiền sử tăng huyết áp. Người bị cao huyết áp có nguy cơ suy tim tăng gấp 2 lần ở nam giới và gấp 3 lần ở nữ giới so với những người có huyết áp bình thường.

Cũng theo các bác sỹ, suy tim do tăng huyết áp là một quá trình âm thầm diễn ra trong nhiều năm, mà bệnh nhân không nhận ra sự thay đổi trong quá trình phát triển của bệnh. Do đó, điều quan trọng trong phòng ngừa bệnh tim mạch chính là kiểm soát chỉ số huyết áp thường xuyên.

Hiện nay, bệnh tim mạch đang có chiều hướng tăng ở người trẻ tuổi; xuất hiện nhiều ở những người 30 đến 40 tuổi. Hầu hết mọi người đều cho rằng bệnh tim khởi phát do yếu tố di truyền, đái tháo đường, béo phì, cao tuổi. Thực tế, chế độ ăn uống và lối sống thiếu lành mạnh mới là “quả bom” gây bùng phát bệnh tim. Thói quen ăn nhiều muối, ít rau xanh, dung nạp các chất béo có hại, lười vận động, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia,  thường xuyên stress, lo lắng… là những nguyên nhân phổ biến của căn bệnh này.

Vì thế, để có thể tránh được ít nhất 80% rủi ro tử vong sớm vì bệnh lý tim mạch, cần tránh 4 yếu tố nguy cơ: chế độ ăn uống, lười vận động, hút thuốc lá và uống rượu bia.

Dưới đây là 10 lời khuyên để bảo vệ một trái tim khỏe mạnh (theo Liên đoàn tim mạch thế giới):

  1. Chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn.
  2. Tập thể dục thường xuyên: mỗi ngày tập từ 30 – 60 phút sẽ giúp phòng chống các bệnh lý tim mạch.
  3. Không hút thuốc lá (thuốc lào, thuốc lá điện tử, Shisha) vì hút thuốc lá là nguyên nhân trực tiếp gây xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và nhiều bệnh lý tim mạch khác.
  4. Duy trì cân nặng hợp lý, nếu thừa cân cần giảm cân sẽ làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên.
  5. Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng Cholesterol, Triglyceride, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo và chỉ số khối cơ thể (BMI).Nếu biết mình có nhiều yếu tố nguy cơ thì bạn càng cần phải có kế hoạch thực hiện lối sống lành mạnh một cách tích cực hơn để cải thiện sức khỏe của mình.
  6. Hạn chế uống rượu, bia vì uống nhiều rượu, bia làm trọng lượng của bạn cũng tăng lên và gây bệnh Tăng huyết áp.
  7. Tạo môi trường sạch sẽ, không có khói thuốc ở gia đình, công sở, nơi công cộng.
  8. Cần có thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng (nếu có thể) ngay tại chính nơi mình làm việc.
  9. Tại nơi công sở cũng cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh.
  10. Tránh căng thẳng, lo âu quá mức. Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh và hiệu quả.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *