I. ĐẠI CƯƠNG
Dị ứng là tên chung để chỉ nhiều bệnh dị ứng khác nhau như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, mày đay – phù Quincke, dị ứng thuốc… Các bệnh này do nhiều nguyên nhân gây nên và đều có chung một cơ chế gây bệnh – đó là sự kết hợp dị nguyên và kháng thể dị ứng.
Trong các bệnh dị ứng thì mày đay – phù Quincke là bệnh chiếm tỉ lệ cao nhất với khoảng 20% số dân mắc bệnh.
II. NGUYÊN NHÂN
– Dị nguyên bụi nhà.
– Biểu bì lông súc vật.
– Thực phẩm.
– Nhiễm trùng đường hô hấp do virus hợp bào hô hấp.
– Phấn hoa.
– Khói thuốc lá.
– Ô nhiễm môi trường.
– Thuốc, hóa chất.
– Mày đay không do dị ứng: đây là dạng mày đay, phù Quincke xảy ra không theo cơ chế dị ứng. Trường hợp này thường do các yếu tố vật lý (nóng, lạnh, ánh nắng mặt trời, áp lực, chấn thương…) gây nên. Trẻ em hay bị mày đay mạn tính do thời tiết.
III. CHẨN ĐOÁN
3.1. Lâm sàng
* Mày đay:
Mày đay là những sẩn phù màu hồng hoặc đỏ đường kính vài mm đến vài cm, ranh giới rõ, mật độ chắc, hình tròn hoặc bầu dục.
Ngứa là cảm giác khó chịu nhất, xuất hiện sớm, thường làm người bệnh mất ngủ. Các triệu chứng kèm theo đôi khi có khó thở, đau bụng, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, sốt cao.
Mày đay dễ tái phát trong thời gian ngắn, ban vừa mất đi đã xuất hiện trở lại.
* Phù Quincke:
Phù Quincke là bệnh thường xuất hiện sau khi tiếp xúc với dị nguyên vài phút, vài giờ hoặc vài ngày có biểu hiện phù cục bộ ở da và tổ chức dưới da. Khi đó trong da và tổ chức dưới da của người bệnh có từng đám sưng nề, đường kính từ 2-10cm, thường xuất hiện ở những vùng da có tổ chức lỏng lẻo: môi, cổ, quanh mắt, bụng, bộ phận sinh dục, khớp… Màu sắc những đám nề đó không có gì đặc biệt, có thể như màu da bình thường, đôi khi hơi tái hoặc hơi hồng, có thể ngứa hoặc cảm giác căng da.
– Phù Quincke ở mặt làm hai mí mắt sưng mọng, môi sưng to biến dạng, da mặt căng nề, làm biến dạng khuôn mặt có thể kèm theo đau đầu buồn nôn.
– Phù Quincke ở thanh quản là nguy hiểm nhất, triệu chứng xuất hiện đầu tiên là ho khan, nói giọng khàn, sau đó xuất hiện khó thở cả thì thở vào và thì thở ra, vẻ mặt tím tái, hốt hoảng, lo lắng.
– Phù Quincke niêm mạc phế quản gây nên triệu chứng khó thở kiểu hen, nghe phổi có ran rít, ran ngáy.
– Phù Quincke ở đường tiêu hóa gây buồn nôn rồi nôn ra thức ăn sau nôn ra cả mật. Lúc đầu đau cấp khu trú sau lan ra khắp bụng kèm theo có tăng nhu động ruột, ỉa chảy, có khi kèm theo ban mày đay ngoài da.
– Phù Quincke tiết niệu có triệu chứng viêm bàng quang cấp, đái buốt, đái dắt.
– Phù Quincke ở não gây đau đầu, lồi mắt, động kinh.
– Phù Quincke ở tử cung gây đau bụng, ra máu âm đạo giống dọa sẩy thai ở phụ nữ mang thai…
3.2. Cận lâm sàng
Các xét nghiệm chủ yếu để loại trừ các nguyên nhân khác:
– Siêu âm ổ bụng loại trừ các bệnh cấp tính trong ổ bụng.
– Chụp Xquang ngực loại trừ viêm phổi do nguyên nhân khác.
– Chụp Xquang bụng loại trừ bệnh ngoại khoa.
– Nội soi họng thanh quản loại trừ khó thở thanh quản do nguyên nhân khác.
– Công thức máu, Glucose, GOT, GPT, Ure, Creatinin
IV. ĐIỀU TRỊ
4.1. Nguyên tắc điều trị
– Thuốc dùng đầu tiên là kháng Histamin ở thế hệ thứ 2. Nếu triệu chứng không giảm có thể dùng thêm thuốc kháng Histamin thế hệ thứ nhất. Nếu vẫn kém đáp ứng dùng thêm một thuốc kháng Histamin H2.
– Tiếp đến là Corticoid toàn thân dùng ngắn ngày với các đợt mày đay cấp nặng hoặc mày đay mạn tính.
4.2. Điều trị cụ thể
* Các thuốc kháng Histamin H1 thế hệ thứ hai:
– Fexofenadine:
Trẻ 6-12 tuổi uống 30mg ngày một lần.
Trẻ > 12 tuổi uống 60mg ngày một lần.
– Loratadin 10mg:
Trẻ 2-5 tuổi uống 5mg ngày một lần.
Trẻ > 6 tuổi uống 10mg ngày một lần.
– Desloratadine 10mg:
Trẻ 6-11 tháng uống 1mg ngày một lần.
Trẻ 1-5 tuổi uống 1,25mg ngày một lần.
Trẻ 6-11 tuổi uống 2,5mg ngày một lần.
Trẻ > 12 tuổi uống 5mg ngày một lần.
– Cetirizine 10mg:
Trẻ 6-24 tháng uống 1,5mg ngày hai lần.
Trẻ 2-6 tuổi uống 2,5-5mg ngày hai lần.
Trẻ > 6 tuổi uống 5-10mg ngày hai lần.
* Các thuốc kháng Histamin H1 thế hệ thứ nhất:
– Diphenhydramin (Dimedrol): liều 1,25mg/kg/lần tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm. Dùng từ 4-6 giờ một lần.
– Clorpheniramin 4mg: liều 0,2mg/kg/lần ngày dùng 3-4 lần.
* Các thuốc kháng Histamin H2:
– Cimetidine:
Trẻ sơ sinh liều 10-20mg/kg/ngày chia 2 lần.
Trẻ em liều 20-40mg/kg/ngày chia 2 lần.
– Ranitidine: Trẻ 1 tháng – 16 tuổi liều 5-10mg/kg/ngày chia 2 lần.
– Famotidine:
Trẻ 3-12 tháng liều 1mg/kg/ngày chia 2 lần.
Trẻ 1-16 tuổi liều 1-2mg/kg/ngày chia 2 lần.
* Các thuốc kháng Leukotriene:
– Montelukast:
Trẻ 1-5 tuổi ngày 4mg dùng 1 lần.
Trẻ 6-14 tuổi ngày 5mg dùng 1 lần.
Trẻ > 14 tuổi ngày 10mg dùng 1 lần.
– Zafirlukast: Trẻ 5-11 tuổi ngày 10mg dùng 1 lần.
Với mày đay mạn tính nên dùng kết hợp kháng Histamin H1 và kháng Histamin H2. Trong trường hợp này kháng Histamin H2 làm tăng và kéo dài tác dụng của kháng Histamin H1.
Ngoài ra có thể dùng thêm Corticoid 1mg/kg/ngày đối với trường hợp mày đay toàn thân. Phù Quincke có khó thở thanh quản điều trị như viêm thanh quản cấp.
V. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG
– Mày đay và phù Quincke có thể tiến triển từng đợt và hay tái phát. Mày đay cấp với triệu chứng dưới 6 tuần và mày đay mạn tính là trên 6 tuần.
– Trong dị ứng cấp tính bệnh nhân có thể tử vong do phù nề thanh quản và đường khí phế quản.
VI. PHÒNG BỆNH
– Tránh tiếp xúc với những dị nguyên đã biết là gây dị ứng.
– Thay đổi môi trường sống với những trường hợp mày đay không do dị ứng.
– Cẩn trọng khi dùng các thuốc hóa chất khi cần thiết.
VII. TIÊU CHUẨN NHẬP VIỆN
– Trẻ không uống được thuốc
– Điều trị hai ngày không đỡ
– Mày đay, phù quincke toàn thân
– Có diễn biến nặng hơn
VIII. TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Sách giáo khoa Nhi Khoa – 2016, nhà xuất bản y học, “mày đay – phù quincke” trang 1569 – 1573.
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, Bộ y tế, “dị ứng thức ăn ở trẻ em” và “dị ứng thuốc” trang 701 – 707”.
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, ban hành kèm theo quyết định số 3312/QĐ-BYT ngày 07/08/2015 của Bộ trưởng Bộ y tế trang 710-718.
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, bệnh viện Nhi trung ương năm 2018, trang 320-330.
Một số bài viết khác:
VIÊM ÂM ĐẠO DO NẤM
ÁP XE TUYẾN BARTHOLIN
ÁP XE TUYẾN VÚ
NANG TUYẾN BARTHOLIN
VIÊM TUYẾN VÚ
U XƠ TUYẾN VÚ