HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN 5 ĐÚNG KHI DÙNG THUỐC

1. MỤC ĐÍCH

– Đảm bảo điều dưỡng thực hiện nghiêm túc chỉ định của bác sĩ về thuốc cho người bệnh.

– Đảm bảo điều dưỡng thực hiện 5 đúng cho người bệnh khi dùng thuốc của Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ.

2. PHẠM VI ÁP DỤNG

Quy định này áp dụng toàn Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ.

3. TÀI LIỆU THAM KHẢO

– Bộ Y Tế (2021), Thông tư số 31/2021/TT-BYT ngày 28/12/2021 Quy định hoạt động điều dưỡng trong bệnh viện.

– Bộ Y Tế (2011), Thông tư 23/2011/TT-BYT ngày 10/6/2011 Hướng dẫn sử dụng thuốc trong các cơ sở y tế có giường bệnh.

– Bộ Y Tế (2012), Hướng dẫn tiêm an toàn trong các cơ sở khám, chữa bệnh (Ban hành kèm theo Quyết định số 3671/QĐ-BYT ngày 07/9/2012 của Bộ Y tế).

4. THUẬT NGỮ VÀ TỪ VIẾT TẮT

4.1. Thuật ngữ

Không áp dụng.

4.2 Từ viết tắt

BS: Bác sỹ

HSBA: Hồ sơ bệnh án

NB: Người bệnh

5. NỘI DUNG

5.1. Chỉ định y lệnh miệng

– Thực hiện y lệnh thường quy (y lệnh đã có trong HSBA): Thực hiện theo quy định bệnh viện.

– Thực hiện y lệnh miệng: Trong trường hợp có chỉ định.

– Điều dưỡng nghe y lệnh miệng từ bác sĩ phải nhắc lại y lệnh để bác sĩ xác định là đúng (hoặc điều dưỡng viết ra giấy), khẩn trương thực hiện ngay.

– Nếu nghe không rõ phải hỏi lại cho đến khi nắm rõ y lệnh từ BS.

– Điều dưỡng thực hiện y lệnh miệng từ BS và báo cáo BS ra y lệnh.

5.2. Điều dưỡng đảm bảo 5 đúng khi dùng thuốc

a, Đúng người bệnh

Hỏi họ tên, năm sinh, địa chỉ trước khi dùng thuốc.

b, Đúng thuốc

Khi lấy thuốc cần kiểm tra: Tên thuốc, hàm lượng, đường dùng, hạn sử dụng, sự nguyên vẹn, chất lượng cảm quan của thuốc

– Đọc nhãn thuốc 03 lần vào 03 thời điểm sau:

+ Khi lấy thuốc ra khỏi tủ hoặc nơi cất giữ

+ Khi lấy thuốc ra khỏi vật chứa : Lọ, ống, chai thuốc

+ Trước khi phân loại vỏ chai, lọ thuốc ra vị trí tập kết hoặc bỏ vào thùng rác

– Những thuốc tên gần giống nhau có thể phát âm giống nhau và có thể dẫn đến những sai sót khi cho y lệnh miệng. Kiểm tra trong danh sách các thuốc có tên gần giống nhau và âm gọi giống nhau.

c, Đúng liều

– Kiểm tra phiếu tam tra và y lệnh của bác sĩ trong bệnh án trước khi thực hiện thuốc.

– Thận trọng khi tính toán (nhất là thuốc có hàm lượng nhỏ : Insulin, Dopamin…)

– Dùng dụng cụ đo lường chính xác : với liều dùng khác nhau giữa người lớn và trẻ em. Nếu chưa chắc chắn về bất kỳ thông tin nào (thuốc, hàm lượng, liều dùng,..) cần kiểm tra lại bằng từ điển thuốc.

– Đảm bảo đúng tốc độ khi tiêm

– Phải dùng đồng hồ đếm giọt khi truyền thuốc, dung dịch cho người bệnh.

d, Đúng đường dùng thuốc

Kiểm tra đường dùng: uống, ngoài da, xịt hay tiêm…

e, Đúng thời gian và tốc độ

– Đúng thời gian theo từng loại thuốc, đặc biệt với người bệnh dùng nhiều loại thuốc và có tính kết tủa nếu dùng trùng thời gian:

+ Buổi (Sáng, trưa, tối)

+ So với bữa ăn (trước ăn, sau ăn, xa bữa ăn …)

– Lưu ý: Người bệnh giống nhau về tên:

+ Sắp xếp giường khác phòng nhau.

+ Hoặc nằm ở vị trí cách xa nhau.

6. HỒ SƠ

Không áp dụng.

7. PHỤ LỤC

Không áp dụng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *