I. ĐẠI CƯƠNG
- Định nghĩa: theo Tổ chức Y tế thế giới, đẻ non là cuộc chuyển dạ xảy ra từ tuần thứ 22 đến trước tuần 37 của thai kỳ tính theo kinh cuối cùng.
- Sơ sinh non tháng có tỷ lệ tử vong và mắc bệnh cao hơn rất nhiều so với trẻ đẻ đủ tháng, nguy cơ cao bị di chứng thần kinh với tỷ lệ 1/3 trước tuần 32, giảm xuống 1/10 sau 35 tuần. Dự phòng và điều trị dọa đẻ non – đẻ non luôn là một vấn đề quan trọng đối với sản khoa, sơ sinh và toàn xã hội.
- Tại Việt nam, chưa có thống kê trên toàn quốc, nhưng theo những nghiên cứu đơn lẻ, tỷ lệ đẻ non khoảng 8-10%.
II. NGUYÊN NHÂN
Thường là không rõ nguyên nhân, tìm thấy một số yếu tố nguy cơ như:
– Tiền căn sinh non
– Tuổi mẹ < 17 hay > 35
– Tình trạng kinh tế xã hội thấp
– Suy dinh dưỡng (BMI < 18,6)
– Hút thuốc, uống rượu
– Đa thai, chuyển nhiều phôi trong thụ tinh ống nghiệm
– Tử cung dị dạng
– Viêm cổ tử cung
– Hở eo tử cung, chiều dài cổ TC ngắn.
III. CHẨN ĐOÁN
3.1. Dọa đẻ non
3.1.1. Triệu chứng cơ năng
- Đau bụng từng cơn, không đều đặn, tức nặng bụng dưới, đau lưng.
- Ra dịch âm đạo dịch nhầy, lẫn máu.
3.1.2. Triệu chứng thực thể
- Cơn co tử cung thưa nhẹ (2 cơn trong 10 phút, thời gian co dưới 30 giây).
- Cổ tử cung đóng, hoặc xóa mở dưới 2cm.
3.2. Đẻ non
- Triệu chứng cơ năng: đau bụng cơn, đều đặn, các cơn đau tăng dần. Ra dịch
âm đạo, dịch nhầy, máu, nước ối.
- Triệu chứng thực thể: cơn co tử cung (tần số 2-3, tăng dần). Cổ tử cung xóa trên 80%, mở trên 2cm. Thành lập đầu ối hoặc vỡ ối.
3.3. Cận lâm sàng
- Đo chiều dài cổ tử cung bằng siêu âm đường âm đạo < 25mm.
- Monitoring sản khoa: cho phép theo dõi, đánh giá tần số, độ dài, cường độ cơn co tử cung.
- Một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân và tiên lượng và điều trị: Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, nhóm máu, đông máu cơ bản, nước tiểu thường quy, sinh hóa máu, HIV, HbsAg, Điện tim, Siêu âm thai,
3.4. Chẩn đoán phân biệt
- Các tổn thương cổ tử cung, đường sinh dục dưới gây chảy máu âm đạo.
- Rau tiền đạo, rau bong non, vỡ tử cung.
IV. ĐIỀU TRỊ
4.1. Nguyên tắc chung
- Trì hoãn chuyển dạ để điều trị dọa đẻ non,
- Chuyển sản phụ đến cơ sở có khả năng chăm sóc sơ sinh non tháng
4.2. Điều trị cụ thể
4.2.1. Nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường, nghiêng trái, tránh kích thích
4.2.2. Thuốc giảm – cắt cơn co tử cung
- Thuốc hướng bêta giao cảm: Salbutamol.
Chống chỉ định trong bệnh tim, cường giáp, tăng huyết áp, đái tháo đường nặng, chảy máu nhiều, nhiễm khuẩn ối. Tác dụng phụ: tăng nhịp tim, tăng đường huyết, hạ Kali máu. Ngưng thuốc nếu nhịp tim > 120 lần/phút.
Salbutamol: 5mg pha trong 500ml Glucose 5%, truyền tĩnh mạch 20 giọt/phút (10mcg/phút), liều tối đa 45 giọt/ phút. Khi đã cắt được cơn co, chuyển sang liều duy trì: viên 4mg, ngậm 1 – 2 viên/ngày.
- Thuốc chẹn kênh calci: có thể dùng 1 trong các thuốc sau:
+ Nifedipine: liều tấn công 20mg ngậm dưới lưỡi trong 20 phút, tối đa 03 liều. Sau khi cắt cơn co duy trì Nifedipine chậm 20mg, uống 6-8h/lần. Theo dõi huyết áp khi dùng thuốc, chống chỉ định nếu huyết áp thấp < 90/50mmHg.
Tác dụng phụ: nóng bừng mặt, buồn nôn, tụt HA thoáng qua.
+ Magnesium Sulfate: liều tấn công 4-6g pha trong 100ml Glucose 5%, truyền TM trong 20 phút. Liều duy trì: 2g/h truyền tĩnh mạch trong 12h, sau đó 1g/h trong 24h. Tai biến: nóng bừng mặt, giảm phản xạ gân xương, ức chế hô hấp, ngừng thở, ngừng tim. Cần theo dõi nồng độ ion Mg huyết thanh 5-7 mg/dL.
+ Thuốc đối kháng cạnh tranh với oxytocin: Atosiban có tác dụng cạnh tranh với oxytocin trên các thụ thể tại màng tế bào cơ tử cung làm giảm sự đáp ứng của cơ tử cung với oxytocin.
Chỉ định điều trị dọa đẻ non từ tuần 24-33 của thai kỳ.
Chống chỉ định: ối vỡ non, thai suy, thai chậm phát triển, chảy máu nặng, tiền sản giật, rau tiền đạo, rau bong non.
Liều dùng: 75mg Atosiban (10ml) pha trong 90ml dung dịch Glucose 5% hoặc NaCl 0,9%. Truyền tĩnh mạch 24ml/h, sau 3h giảm xuống 8ml/h. Thời gian điều trị không nên quá 48h, không quá 3 đợt điều trị trong thai kỳ.
4.2.3. Liệu pháp Corticoid
Tăng cường sản xuất surfactan, thúc đẩy sự trưởng thành của mô liên kết, làm giảm suy hô hấp ở trẻ non tháng. Chỉ định cho thai từ 28 đến hết 34 tuần tuổi, có thể sử dụng một trong các thuốc sau ở các tuyến y tế.
- Betamethasone 12 mg, 2 liều tiêm bắp cách nhau 24h.
- Hoặc Dexamethasone 6mg/lần, tiêm bắp 4 lần cách nhau 12h.
4.2.4. Xử trí đẻ non khi ức chế chuyển dạ không thành công
- Tránh sang chấn cho thai: bảo vệ đầu ối đến khi cổ tử cung mở hết, hạn chế sử dụng oxytocin, cắt tầng sinh môn rộng, mổ lấy thai nếu có chỉ định.
- Chống nhiễm khuẩn nếu ối vỡ sớm, dự phòng sót rau, chảy máu sau đẻ.
- Đảm bảo hồi sức, chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng.
V. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG
– Tiên lượng tốt với những trường hợp chưa có tiền sử sinh non và tuổi thai lớn
– Biến chứng: Sinh non, nặng có thể tử vong mẹ và con
VI. PHÒNG BỆNH
– Xác định nhóm bệnh có nguy cơ cao.
– Hướng dẫn sản phụ các yếu tố nguy cơ.
– Chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng
– Không hút thuốc uống rượu, nghỉ ngơi nhiều, giảm vận động nặng
– Hạn chế số lượng phôi chuyển ở phụ nữ có hỗ trợ sinh sản nhằm hạn chế đa thai.
– Tầm soát và điều trị viêm cổ TC
VII. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1, Hướng dẫn lâm sàng dự phòng và điều trị sinh non 2016.Hội phụ sản Việt Nam.
2, Phác đồ điều trị bệnh viện Từ Dũ 2019.
Một số bài viết khác:
NHIỄM KHUẨN VẾT MỔ
CHẢY MÁU SAU ĐẺ
THIẾU MÁU VÀ THAI NGHÉN
RAU TIỀN ĐẠO
TIỀN SẢN GIẬT – SẢN GIẬT
THAI CHẾT LƯU TRONG TỬ CUNG