I. ĐẠI CƯƠNG
Viêm phế quản cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của niêm mạc phế quản ở người trước đó không có tổn thương. Bệnh khỏi hoàn toàn không để lại di chứng.
II. NGUYÊN NHÂN
Thường do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc cả hai loại.
III. CHẨN ĐOÁN
3.1. Chẩn đoán xác định
3.1.1. Lâm sàng
– Khởi phát bằng viêm long đường hô hấp trên với sốt nhẹ, viêm mũi họng (hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng), có thể viêm mũi mủ, viêm xoang, viêm amidan, viêm tai giữa; sau lan xuống khí – phế quản.
– Người bệnh thường không sốt, một số trường hợp có sốt nhẹ, hoặc sốt cao.
– Ho: ho khan, có khi ho ông ổng, ho từng cơn, cảm giác rát bỏng sau xương ức, khàn tiếng.
– Khạc đờm: đờm có thể màu trắng trong, hoặc đờm có màu vàng, xanh, hoặc đục như mủ.
– Khám phổi: thường bình thường, một số trường hợp thấy có ran ngáy, hoặc có thể cả ran rít.
3.1.2. Cận lâm sàng
– Công thức máu, máu lắng, CRP
– Sinh hóa: ure, creatinin, GOT, GPT, glucose
– Tổng phân tích nước tiểu
– X-quang tim phổi
– AFB đờm (với đối tượng có nguy cơ)
3.2. Chẩn đoán phân biệt
– Viêm phổi
– Hen phế quản
– Giãn phế quản bội nhiễm
– Dị vật đường thở
– Lao phổi
– Ung thư phổi, phế quản
– Đợt cấp suy tim sung huyết
3.3. Chẩn đoán nguyên nhân
3.3.1. Virus
– Các virus thường gặp nhất là các myxovirus (virus cúm và virus á cúm), các rhinovirus, coronavirus, virus đại thực bào đường hô hấp (respiratory syncytial virus), adenovirus, enterovirus (coxsackie và echovirus) và một số chủng virus herpes (cytomegalovirus, varicellae).
3.3.2. Vi khuẩn
– Nhóm các vi khuẩn không điển hình như Mycoplasma và Chlamydia, các vi khuẩn gây mủ hiếm gặp hơn.
– Do phế cầu, Hemophilus influenza
3.3.3. Viêm phế quản cấp do hít phải hơi độc
Khí SO2, Clo, Amoniac, acid, dung môi công nghiệp, hơi độc chiến tranh, khói do cháy nhà.
IV. ĐIỀU TRỊ
4.1. Nguyên tắc điều trị
– Điều trị triệu chứng
– Dùng kháng sinh khi có bội nhiễm
4.2. Điều trị cụ thể
Ở người lớn viêm phế quản cấp đơn thuần có thể tự khỏi không cần điều trị.
a) Điều trị triệu chứng:
+ Nghỉ ngơi, bỏ thuốc lá, giữ ấm.
+ Giảm ho, long đờm:
- Terpin codein 15- 30 mg/24 giờ hoặc.
- Dextromethorphan 10-20 mg/24 giờ ở người lớn hoặc
- Nếu ho có đờm: Acetylcystein 200 mg x 3 gói/24 giờ.
+ Nếu có co thắt phế quản: thuốc giãn phế quản cường β2 đường phun hít (salbutamol, terbutanyl) hoặc khí dung salbutamol 5mg x 2- 4 nang/24 giờ hoặc uống salbutamol 4mg x 2-4 viên/24 giờ.
+ Bảo đảm đủ nước uống, dinh dưỡng.
b) Kháng sinh:
– Chỉ định dùng kháng sinh khi:
+ Ho kéo dài trên 7 ngày.
+ Ho, khạc đờm mủ rõ.
+ Viêm phế quản cấp ở người có bệnh mạn tính nặng như suy tim, ung thư.
– Chọn kháng sinh tùy thuộc mô hình vi khuẩn và tình hình kháng thuốc tại địa phương. Có thể dùng một trong các kháng sinh như sau:
+ Ampicillin, amoxicillin
+ Penicillin
+ Cephalosporin thế hệ 1, 2
+ Macrolid
+ Quinolon hô hấp
V. TIÊU CHUẨN NHẬP VIỆN
– Bệnh nhân ho kéo dài, thay đổi màu sắc đờm, đã điều trị 1 liệu trình kháng sinh nhưng không đỡ, cần nâng bậc điều trị.
– Bệnh nhân có co thắt phế quản đã dùng thuốc giãn phế quản đường uống không đỡ.
– Bệnh nhân tuổi cao kèm theo nhiều bệnh lý nền, không uống thuốc được.
VI. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG
– Bệnh tiến triển tốt, đa số khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng
VII. PHÒNG BỆNH
– Loại bỏ yếu tố kích thích: không hút thuốc, tránh khói bụi trong, ngoài nhà, môi trường ô nhiễm, giữ ấm vào mùa lạnh.
– Tiêm vacxin phòng cúm, phế cầu, đặc biệt khuyến cáo mạnh cho những bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính, suy tim, cắt lách, tuổi trên 65.
– Điều trị các nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt, tình trạng suy giảm miễn dịch.
– Vệ sinh răng miệng.
VIII. TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh hô hấp (Quyết định 4235/QĐ-BYT ngày 31/10/2012).
Một số bài viết khác:
QUAI BỊ
HỘI CHỨNG LỴ
BỆNH LAO
CÚM
COVID – 19
BỆNH THỦY ĐẬU