RỐI LOẠN CHỨC NĂNG TIỀN ĐÌNH

I. ĐẠI CƯƠNG

Rối loạn tiền đình là 1 hội chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau, các biểu hiện thường gặp nhất là chóng mặt, mất thăng bằng, ngoài ra có thể có các triệu chứng khác như : ù tai, buồn nôn, nôn, tim đập nhanh, vã mồ hôi…

II. NGUYÊN NHÂN VÀ PHÂN LOẠI

– Hội chứng tiền đình trung ương: tổn thương các đường dẫn truyền tiền đình đi tới nhân tiền đình tại thân não.

+ Do các tổn thương của thân não và tiểu não

+ Thiếu máu cục bộ (như hội chứng Wallenberg)

+ Xuất huyết não

+ Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua của tuần hoàn não sau

+ U tăng sinh (u cầu tiểu não)

+ Bệnh thoái hoá myelin

+ Migraine

– Hội chứng tiền đình ngoại biên: tổn thương ở khu vực tai trong, nhân và dây tiền đình.

+ Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính

+ Viêm thần kinh tiền đình

+ Bệnh Ménière.

+ Herpes Zoster gây ảnh hưởng hạch gối (thỉnh thoảng gọi là hội chứng Ramsey-Hunt)

+ Các rối loạn tự miễn (hội chứng Cogan bao gồm rối loạn chứng năng tiền đình và viêm kẽ giác mạc)

+ Các thuốc aminoglycoside

+ U thần kinh VIII

+ Viêm tai giữa

+ Dò ngoại dịch

+ Nguyên nhân do chấn thương đầu, chấn thương khí áp, hay phẫu thuật tai giữa.

III. CHẨN ĐOÁN

3.1. Lâm sàng

– Chóng mặt: Người bệnh có cảm giác đồ vật xung quanh quay tròn. Thường kèm theo các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như buồn nôn, vã mồ hôi, cảm giác sợ ngã, thường cảm giác quay rất mạnh, đặc biệt khó chịu.

– Mất thăng bằng:

+ Có thể rất mãnh liệt: bệnh nhân không thể đứng được thường gặp trong giai đoạn đầu của hội chứng tiền đình ngoại biên.

+ Có thể ở mức độ vừa phải được phát hiện thông qua các nghiệm pháp khám như : Dấu hiệu Romberg, bước đi hình sao…

– Rung giật nhãn cầu: Là một vận động tự động của cả hai nhãn cầu, đặc trưng bởi sự xuất hiện liên tục có nhịp, khá đều đặn và sự liên tục thay đổi hướng của sự chuyển động xen kẽ nhau…

– Khám 12 đôi dây thần kinh sọ thường không thấy tổn thương

3.2. Phân biệt rối loạn tiền đình trung ương và ngoại vi

Đặc điểm lâm sàng Tiền đình trung ương Tiền đình ngoại vi
1. Vị trí tổn thương Nhân tiền đình, đường liên hệ trong thân não Tai trong, dây thần kinh tiền đình
2. Chóng mặt
+ Thời gian Thường xuyên Từng đợt, đột ngột
+ Tính chất Cảm giác bồng bềnh, tròng trành (chóng mặt không hệ thống) Cảm giác xoay tròn hoặc đồ đạc quay xung quanh mình (chóng mặt có hệ thống)
+ Cường độ chóng mặt Vừa phải Rất nặng
3. Rung giật nhãn cầu Theo chiều dọc Theo chiều ngang hoặc xoay
4. Rối loạn thăng bằng (chiều ngã khi làm nghiệm pháp Romberg) Không phù hợp với chiều của rung giật nhãn cầu Cùng chiều với chiều của rung giật nhãn cầu
5. Các triệu chứng khác
+ Hội chứng tiểu não Thường gặp Không
+ Hội chứng giao bên Có thể có Không
+ Tổn thương mắt phối hợp Có thể liệt nhìn Không
+ Ù tai, giảm thính lực Hiếm Thường gặp
+ Đau đầu Không
6. Tiến triển Chậm, lâu khỏi Thoái lui nhanh

 3.3. Cận lâm sàng

– Các xét nghiệm cơ bản: Công thức máu, ure, creatinin, glucose, GOT, GPT, điện giải đồ (khi bệnh nhân nôn nhiều).

– XQ cột sống cổ đánh giá hẹp khe khớp.

– Siêu âm hệ mạch cảnh đốt sống: xác định mảng xơ vữa, bóc tách động mạch gây hẹp mạch, tắc mạch…

– Chụp CT-Scanner sọ não, MRI sọ não tìm các tổn thương như: U góc cầu tiểu não, TBMM não…

IV. ĐIỀU TRỊ

4.1. Nguyên tắc điều trị

Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân, quan trọng nhất là xử trí những cơn chóng mặt cấp, xảy ra bất ngờ để phòng tránh tai nạn cho người bệnh.

4.2. Thuốc

– Benzodiazepines

+ Diazepam: 2.5mg, 1-3 lần/ngày

+ Clonazepam: 0.25mg, 1-3 lần/ngày

– Kháng histamines

+ Meclizine: 25-50mg, 3 lần/ngày

+ Dimehydrinate: 50mg, 1-2 lần/ngày

+ Betahistin 36- 48mg/ ngày chia 2 lần

+ Cinnarizin 25mg x 2 lần/ngày

-Thuốc tác động thần kinh trung ương: Tanganil (acetyl – DL – leucin) 1-2 g/ngày chia 2 lần, uống

-Thuốc điều hòa tuần hoàn não: Piracetam 2400mg/ ngày chia 2-3 lần

-Anticholinergic: Scopolamine transdermal (dán), phổ biến để phòng ngừa say sóng

– Chống nôn: Diphenhydramin hay Nautamine, Domperidone, Metoclopramide và Ondansetron.

V. TIÊU CHUẨN NHẬP VIỆN

Bệnh nhân chóng mặt cấp, nôn nhiều không uống được

VI. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

– Tuỳ theo nguyên nhân nhưng nói chung rối loạn tiền đình hay tái phát. Rối loạn tiền đình ngoại vi thường tiên lượng tốt, thoái lui nhanh. Rối loạn tiền đình trung ương thường dai dẳng, cần thời gian điều trị khá dài. Các trường hợp rối loạn tiền đình nên được điều trị củng cố 3 – 4 tuần sau giai đoạn cấp góp phần giảm tỷ lệ và kéo dài thời gian tái phát.

VII. PHÒNG BỆNH

– Có chế độ làm việc, nghỉ ngơi điều độ, không lao động quá sức.

– Không thay đổi tư thế đột ngột.

– Không hút thuốc lá, thường xuyên tập thể dục thể thao, không ngồi lâu trước máy tính, tránh đọc sách báo khi ngồi ôtô.

VIII. TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cập nhật điều trị chóng mặt hội thần kinh học 2022

Một số bài viết khác:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *