CÚM

I. ĐẠI CƯƠNG

Bệnh cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân.

Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

II. NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân gây bệnh cúm mùa xuất phát từ Virus gây bệnh cúm là Myxovirus influenzae, thuộc họ Orthomyxoviridae, có chứa ARN, sợi đơn, xoắn đối xứng, vỏ ngoài để lộ ra hai kháng nguyên glycoprotein là neuraminidase (NA) và hemagglutinine (HA1-HA2).

III. CHẨN ĐOÁN

3.1. Triệu chứng lâm sàng

– Sốt (thường trên 38 độ C), đau nhức cơ toàn thân và có một trong số các biểu hiện về hô hấp như đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở.

– Hình ảnh chụp XQ phổi bình thường hoặc có tổn thương thâm nhiễm lan tỏa ở phổi.

3.2. Xét nghiệm: công thức máu bạch cầu bình thường hoặc giảm.

3.3. Chẩn đoán xác định

– Có yếu tố dịch tễ: sống hoặc đến từ khu vực có bệnh cúm lưu hành hoặc có tiếp xúc trực tiếp với người bệnh cúm.

– Lâm sàng: có các triệu chứng như nêu trên.

– Xét nghiệm dương tính với virus cúm bằng kỹ thuật RT-PCR hoặc real time RT-PCR hoặc nuôi cấy virus đối với các bệnh phẩm là dịch ngoáy họng, dịch tỵ hầu, dịch phế quản.

3.4. Chẩn đoán mức độ bệnh

(1) Cúm chưa có biến chứng (cúm nhẹ)

Lâm sàng có biểu hiện hội chứng cúm đơn thuần.

(2) Cúm có biến chứng (cúm nặng)

Là ca bệnh có biểu hiện lâm sàng như trên hoặc ca bệnh đã được chẩn đoán xác định kèm theo một trong các biểu hiện sau:

– Có tổn thương ở phổi với biểu hiện suy hô hấp trên lâm sàng (thở nhanh, khó thở, SpO2 giảm, PaO2 giảm) và/hoặc:

– Có các biến chứng thứ phát như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng.

– Có các dấu hiệu nặng lên của các bệnh lý mạn tính kèm theo (bệnh phổi, bệnh gan, suy thận, tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh về máu).

(3) Các đối tượng nguy cơ dễ mắc cúm biến chứng bao gồm:

– Trẻ em: dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải.

– Người già trên 65 tuổi.

– Phụ nữ có thai.

– Người lớn mắc các bệnh mạn tính.

– Suy giảm miễn dịch (người bệnh đang điều trị thuốc chống ung thư, HIV/AIDS).

3.5. Chẩn đoán phân biệt

– Nhiễm các loại virus khác (như Parainfluenza, Adenovirus, virus hợp bào hô hấp, Coronavirus, Enterovirus).

– Nhiễm các vi khuẩn nội bào (như Mycoplasma, Chlamydia, Coxiella).

Bệnh cảnh lâm sàng đều giống như cúm (hội chứng cúm). Chỉ có xét nghiệm sinh học mới có giá trị chẩn đoán tác nhân gây bệnh.

IV. ĐIỀU TRỊ

4.1. Nguyên tắc điều trị

Người bệnh nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm phải được cách ly y tế và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng.

Nhanh chóng đánh giá tình trạng người bệnh và phân loại mức độ bệnh. Các trường hợp bệnh nặng hoặc có biến chứng nặng cần kết hợp các biện pháp hồi sức tích cực và điều trị căn nguyên.

Thuốc kháng virus được dùng càng sớm càng tốt khi có chỉ định.

Ưu tiên điều trị tại chỗ, nếu điều kiện cơ sở điều trị cho phép nên hạn chế chuyển tuyến.

4.2. Điều trị cụ thể

– Cúm có biến chứng: cần được nhập viện để điều trị và dùng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt.

– Cúm có kèm theo các yếu tố nguy cơ: nên được nhập viện để theo dõi và xem xét điều trị sớm thuốc kháng virus.

– Cúm chưa biến chứng: có thể không cần xét nghiệm hoặc điều trị cúm tại cơ sở y tế nếu biểu hiện triệu chứng nhẹ. Nếu triệu chứng nặng lên hoặc người bệnh lo lắng về tình trạng sức khỏe nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và chăm sóc.

4.3. Điều trị thuốc kháng virus

Chỉ định: các trường hợp nhiễm cúm A hoặc B (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ.

Thuốc được sử dụng hiện nay là oseltamivir hoặc/và zanamivir.

Liều lượng oseltamivir được tính theo lứa tuổi và cân nặng. Thời gian điều trị là 5 ngày.

– Người lớn và trẻ em > 13 tuổi: 75mg x 2lần/ngày.

– Trẻ em ≥ 12 tháng đến ≤ 13 tuổi:

+ Cân nặng ≤ 15kg: 30mg x 2 lần/ngày.

+ Cân nặng > 15kg đến 23kg: 45mg x 2lần/ngày.

+ Cân nặng > 23kg đến 40kg: 60mg x 2lần/ngày.

+ Cân nặng > 40kg: 75mg x 2lần/ngày.

– Trẻ < 12 tháng tuổi:

+ 0-1 tháng 2mg/kg x 2 lần/ngày.

+ > 1-3 tháng 2,5mg/kg x 2 lần/ngày.

+ > 3-12 tháng 3mg/kg x 2 lần/ngày.

Zanamivir: dạng hít định liều, sử dụng trong các trường hợp không có oseltamivir, chậm đáp ứng hoặc kháng với oseltamivir. Liều lượng zanamivir được tính như sau:

Người lớn và trẻ em > 7 tuổi: 10mg (2 lần hít 5mg) x 2 lần/ngày.

Trẻ em từ 5 – 7 tuổi: 10mg (2 lần hít 5-mg) x 1 lần/ngày.

4.4. Điều trị cúm biến chứng

– Hỗ trợ hô hấp khi có suy hô hấp: thở oxy, thở CPAP hoặc thông khí nhân tạo tùy từng trường hợp.

– Phát hiện và điều trị sớm các trường hợp bội nhiễm vi khuẩn với kháng sinh thích hợp.

– Phát hiện và điều trị suy đa phủ tạng.

4.5. Điều trị hỗ trợ

– Hạ sốt: chỉ dùng paracetamol khi sốt trên 38,5 độ C, không dùng thuốc nhóm salicylate như aspirin để hạ sốt.

– Đảm bảo cân bằng nước điện giải.

– Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý

V. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

5.1. Tiên lượng

Hầu hết bệnh nhân bệnh nhân tiến triển tốt, khỏi từ ngày thứ 5 đến thứ 7 của bệnh.

Một số bệnh ít để lại di chứng, biến chứng.

5.2. Biến chứng

* Biến chứng phổi

-Viêm phổi tiên phát do virus

-Viêm phổi thứ phát do vi khuẩn

– Viêm phế quản

– Áp xe phổi

– Tràn dịch màng phổi; Vô trùng hoặc có mủ

* Biến chứng tim mạch

– Biến đổi điện tim thường chỉ thấy trên người bệnh có sẵn bệnh tim

– Viêm màng ngoài tim

* Biến chứng thần kinh

Hội chứng Guillain- Barre

– Viêm não

* Biến chứng Reye

* Viêm cơ

* Biến chứng về tai mũi họng

– Viêm họng, Amidan

– Viêm lợi

– Viêm tuyến mang tai

-Viêm xoang trán, Viêm xoang hàm

-Viêm tai giữa, viêm tai xương chũm

– Viêm thanh quản, bội nhiễm gây phù, loét, hoại tử có giả mạc

– Viêm tai mũi họng có thể lan tràn sang vùng mặt gây viêm kết mạc mắt, viêm tuyến lệ

VI. PHÒNG BỆNH

6.1. Quản lý, phòng bệnh tại cộng đồng

Cần phát hiện sớm và cách ly các trường hợp nghi ngờ cúm để tránh bệnh lây lan, hạn chế sinh hoạt, tụ tập đông đúc trong thời gian dịch bùng phát

6.2. Phòng ngừa bằng vaccin

Vaccin cúm hiện nay được điều chế từ virus cúm bất hoạt, thuộc các typ virus cúm A và B và tiêm trước mùa dịch

6.3. Phòng bệnh bằng thuốc

– Phòng cho đối tượng có nguy cơ cao nhưng không thể tiêm vacxin

– Để phòng dịch cúm trong bệnh viện

Các thuốc phòng bệnh ; Amantadine hoặc rimantadine liều 100-200mg/ngày, Oseltamivir liều 75mg/ngày, Zanamivir 10mg/ngày

VII. TIÊU CHUẨN NHẬP VIỆN

– Bệnh nhân sốt cao dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng

– Bệnh nhân có bệnh lý nền

– Có các biến chứng kèm theo

VIII. TIÊU CHUẨN RA VIỆN

– Hết sốt và hết các triệu chứng hô hấp trên 48 giờ (trừ ho).

– Tình trạng lâm sàng ổn định.

– Sau khi ra viện phải cách ly y tế tại nhà cho đến hết 7 ngày tính từ khi khởi phát triệu chứng.

Ĩ. TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tài liệu tham khảo: Quyết định số 5642/QĐ-BYT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế

Một số bài viết khác:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *