HẠ ĐƯỜNG HUYẾT Ở TRẺ SƠ SINH

I. ĐẠI CƯƠNG

 Hạ đường huyết là một trong những vấn đề thường gặp trong giai đoạn sơ sinh, có thể thoáng qua trong giai đoạn đầu sau sinh. Tuy nhiên hạ đường huyết dai dẳng có thể gây tổn thương não và để lại hậu quả lâu dài.

 Hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh được xác định khi Glucose máu < 2,6 mmol/l.

II. NGUYÊN NHÂN

2.1. Hạ đường huyết do tăng Insulin

+ Do thay đổi chuyển hóa của mẹ

– Truyền đường, thuốc trong thai kỳ

– Bệnh tiểu đường

+ Do di truyền bẩm sinh: đột biến gen mã hóa sự điều hòa bài tiết Insulin của tế bào beta đảo tụy như gen ABCC8, KCNj11, SUR1, Kir6.2…

+ Tăng Insulin thứ phát

– Ngạt

– Hội chứng Beckwwith-Wiedemann

– Mẹ điều trị thuốc terbutaline

– Ngừng đột ngột dịch truyền có nồng độ đường cao

– Sau thay máu với lượng máu có nồng độ đường cao

– Khối u sản xuất Insulin, tăng sản tế bào beta tiểu đảo Langerhans.

2.2. Trẻ to so với tuổi thai

2.3. Giảm sản xuất/dự trữ glucose

– Chậm phát triển trong tử cung

– Đẻ non

– Chế độ dinh dưỡng không đủ năng lượng

– Cho ăn muộn

2.4. Tăng sử dụng và hoặc giảm sản xuất glucose

+ Stress chu sinh: nhiễm trùng, sốc, ngạt, hạ thân nhiệt, suy hô hấp, giai đoạn sau hồi sức.

+ Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh

– Carbohydrate: rối loạn chuyển hóa đường galactose hoặc không dung nạp đường fructose

– Acid amin

– Acid béo

+ Rối loạn nội tiết: thiếu hormon tuyến yên

+ Đa hồng cầu

+ Mẹ sử dụng các thuốc chẹn beta

III. CHẨN ĐOÁN

3.1. Lâm sàng

Các triệu chứng lâm sàng thường không đặc hiệu và có thể muộn:

– Kích thích/run giật/co giật

– Li bì/ngơ ngác

– Tiếng khóc bất thường

– Thở rên/thở nhanh/cơn ngừng thở

– Vã mồ hôi

– Nhịp tim nhanh

– Hạ nhiệt độ

3.2. Cận lâm sàng

– Lấy máu xét nghiệm nồng độ Glucose máu xác định chẩn đoán, khi Glucose máu < 2,6 mmol/L.

– Xét nghiệm nhanh: rất cần thiết cho quá trình chẩn đoán và điều trị ngay trong khi chờ chẩn đoán xác định máu huyết thanh

– Lưu ý, lượng glucose máu toàn phần thấp hơn khoảng 15% so với glucose huyết thanh và có thể thấp hơn khi có cô đặc máu.

IV. ĐIỀU TRỊ

4.1. Nguyên tắc

– Xử trí các trường hợp cấp cứu như co giật, suy hô hấp, tím tái…

– Truyền Glucose nâng đường huyết về bình thường.

– Dinh dưỡng qua đường miệng càng sớm càng tốt.

4.2. Điều trị cụ thể

Tiêm tĩnh mạch 2ml/kg/lần dung dịch glucose 10% trong một phút, sau đó truyền dịch.

Tốc độ truyền đường là 6-8mg/kg/phút, truyền dung dịch có nồng độ glucose 10% liều duy trì là 80-120ml/kg/ngày.

4.3 Theo dõi điều trị

Theo dõi glucose máu 3 giờ/lần cho đến khi đường được > 2,6 mmol/l ở 2 lần xét nghiệm liên tiếp.

Nếu glucose huyết thanh ổn định với điều trị truyền TM:

– Bắt đầu cho ăn 20ml/kg/ngày

– Tăng dần lượng ăn và giảm dần dịch truyền cho đến khi ăn được hoàn toàn.

V. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

5.1. Biến chứng

– Co giật, tím tái

– Hôn mê

– Suy hô hấp

– Hạ thân nhiệt

5.2. Tiên lượng

– Trẻ hồi phục nhanh khi được bù đường đủ

– Có thể hạ đường huyết kéo dài

VI. PHÒNG BỆNH

– Bú mẹ sớm ngay sau sinh. Trẻ có nguy cơ cần được cho ăn sớm ngay trong giờ đầu sau sinh và sàng lọc glucose huyết sau đó 30 phút.

– Nếu trẻ không thể bú mẹ thì vắt sữa và cho trẻ ăn bằng phương pháp thay thế, lượng ăn đủ theo nhu cầu trong ngày.

– Có thể tăng cường bữa ăn 12 bữa/ngày.

VII. TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, NXb y học năm 2016, trang 187-191.
  2. Phác đồ điều trị nhi khoa bệnh viện nhi đồng 1.
  3. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, ban hành kèm theo quyết định số 3312/QĐ-BYT ngày 07/08/2015 của Bộ trưởng Bộ y tế, trang 185-191.
  4. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số ở trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương năm 2018, trang 188-192.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *