VIÊM DẠ DÀY CẤP

I. ĐẠI CƯƠNG

Viêm dạ dày cấp là phản ứng viêm chỉ hạn chế ở niêm mạc, có đặc tính là khởi phát và diễn biến nhanh chóng do tác dụng của tác nhân độc hại hoặc nhiễm khuẩn ở niêm mạc dạ dày. Đặc điểm lâm sàng của viêm dạ dày cấp là: xuất hiện nhanh, mất đi nhanh và không để lại di chứng.

II. NGUYÊN NHÂN

2.1. Yếu tố ngoại sinh thường gặp

– Vi rút, vi khuẩn và độc tố của chúng, hay gặp do HP

– Thức ăn: nóng quá, lạnh quá, cứng khó tiêu, nhai không kỹ hoặc bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc do tụ cầu, coli, rượu, chè, cà phê, mù tạc…

– Thuốc Aspirin, APC, Natri salicylate, quinine, sulfamid, cortancyl, phenylbutazol, reserpine, digitalin, kháng sinh, KCL…

– Các chất ăn mòn: muối kim loại nặng (đồng, kẽm), thuỷ ngân, kiềm, acid sulphuric, acid chlothydric Nitrat bạc…

– Các kích thích nhiệt, dị vật.

2.2. Các yếu tố nội sinh

Do các yếu tố nội sinh tràn vào máu gây ra viêm dạ dày cấp, gặp trong các bệnh sau :

– Các bệnh nhiễm khuẩn cấp (cúm, sởi, bạch cầu, thương hàn, viêm phổi… viêm ruột thừa, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, thoát vị hoành…)

– Ure máu cao, tăng thyroxin, tăng đường máu.

– Bỏng, nhiễm phóng xạ (1.100r – 25000r), các stress nặng, chấn thương sọ não, u não, sau phẫu thuật thần kinh, tim, shock, bệnh tim, phổi cấp, xơ gan…

– Dị ứng: thức ăn (tôm, ốc, sò, hến…)

III. CHẨN ĐOÁN

3.1. Triệu chứng

– Lâm sàng:

+ Đau vùng thượng vị dữ dội, cồn cào, nóng rát, có khi âm ỉ, ậm ạch khó tiêu.

+ Buồn nôn, hoặc nôn nhiều, ăn xong nôn ngay, nôn hết thức ăn thì nôn ra dịch chua, có khi nôn cả ra máu.

– Xét nghiệm

+ Nội soi dạ dày: Dạ dày có một phần hoặc toàn thể niêm mạc đỏ rực, bóng láng, có những đám nhầy dày hoặc mỏng, các nếp niêm mạc phù nề, niêm mạc kém bền vững, dễ xuất huyết, vết chợt.

+ Công thức máu: BC tăng, CTBC chuyển trái, máu lắng tăng.

+ Sinh hóa: ure, creatinin, glucose, GOT, GPT

+ Tổng phân tích nước tiểu 10 thông số

+ Siêu âm ổ bụng

3.2. Chẩn đoán xác định

* Dựa vào:

– Lâm sàng: đau thượng vị đột ngột không theo chu kỳ, nóng rát.

– Nội soi dạ dày

3.3. Chẩn đoán phân biệt

– Viêm tụy cấp

– Thủng dạ dày

– Viêm túi mật cấp

Cơn đau cấp của loét dạ dày – tá tràng

– Nhồi máu cơ tim cấp

IV. ĐIỀU TRỊ

4.1. Nguyên tắc điều trị

– Thay đổi lối sống

– Dùng thuốc

4.2. Điều trị cụ thể

4.2.1. Thay đổi lối sống

– Hạn chế tối đa uống rượu bia.

– Bỏ hút thuốc lá.

– Kiểm soát cảm xúc, tránh căng thẳng.

– Tránh thức ăn chứa nhiều gia vị, dầu mỡ, chua, cay nóng vì dễ gây kích ứng dạ dày

– Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày.

– Tích cực bổ sung các thực phẩm có lợi cho dạ dày: chuối, nước dừa, sữa chua, rau củ, gừng, ngũ cốc…

4.2.2. Thuốc

– Thuốc giảm đau chống co thắt cơ trơn: Drotaverin 40mg 1-2 viên/lần x 3 lần/ngày.

– Thuốc trung hòa dịch vị, bảo vệ băng se niêm mạc dạ dày

– Thuốc ức chế tiết axit:

+ Thuốc ức chế thụ thể H2

+ Thuốc ức chế bơm proton (PPI)

– Điều trị diệt HP

V. TIÊU CHUẨN NHẬP VIỆN

– Bệnh nhân có cơn đau dữ dội, cấp tính, kèm nôn nhiều mất nước, điện giải

– Bệnh nhân đau bụng cấp dưới 24 giờ nên nhập viện để theo dõi loại trừ bệnh lý ngoại khoa như viêm ruột thừa cấp…

VI. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

– Quá trình viêm diễn ra từ vài giờ đến vài ngày, hồi phục nhanh và hoàn toàn.

– Biến chứng: loét, xuất huyết, viêm mạn tính.

VII. PHÒNG BỆNH

Chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, tránh dùng chất kích thích, thuốc hại dạ dày

VIII. TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa – nhà xuất bản y học trang 483-486.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *